Hỗ trợ doanh nghiệp

Lâm Đồng: 5 dự án được Quỹ phát triển kinh doanh của Hà Lan hỗ trợ

DNVN – 5 dự án kinh doanh được Quỹ phát triển kinh doanh của SNV chọn vào vòng chung khảo thuộc về công ty nấm Đà Lạt, Hoàng Thắng Đa Sar, Daisy International, DaLaVi và Nguyên Long.

Trải nghiệm hương vị cà phê đặc sản tại điểm dừng chân cà phê Tám Trình / Lâm Đồng: Chi hội Doanh nghiệp Lạc Dương khai trương Cà phê doanh nhân, tạo cơ hội gắn kết

Ngày 4/4, tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP Lạc Dương (Lâm Đồng), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức vòng chung khảo chọn ra các dự án kinh doanh xuất sắc nhất để trao hỗ trợ từ Quỹ phát triển kinh doanh.

TS. Trương Bình Nguyên - Chủ tịch Công ty CP Nguyên Long, trình bày kế hoạch kinh doanh chiết xuất tinh chất từ đông trùng hạ thảo và các loại nấm.

Ông Trương Bình Nguyên - Chủ tịch Công ty CP Nguyên Long, trình bày kế hoạch chiết xuất tinh chất từ đông trùng hạ thảo và các loại nấm.

Theo ban tổ chức, sau khi phát động, chương trình đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nhân. Trong đó đã có gần 20 doanh nghiệp nộp kế hoạch kinh doanh theo đúng thời hạn quy định.

Trải qua vòng sơ khảo và kết quả đánh giá của hội đồng xét duyệt, ban tổ chức đã chọn ra 5 doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh tốt nhất để tham gia vào vòng chung khảo gồm Công ty TNHH Nấm Đà Lạt, Công ty TNHH Hoàng Thắng Đa Sar, Công ty TNHH Daisy International, Công ty TNHH DaLaVi và Công ty CP Nguyên Long.

Bà Nguyễn Lê Thạch Thảo - Giám đốc Công ty TNHH Daisy International, trình bày kế hoạch kinh doanh.

Bà Nguyễn Lê Thạch Thảo - Giám đốc Công ty TNHH Daisy International, trình bày kế hoạch kinh doanh tại vòng chung khảo.

Tại vòng chung khảo, đại diện 5 doanh nghiệp đã trình bày ngắn gọn kế hoạch kinh doanh của đơn vị mình để thuyết phục hội đồng xét duyệt. Đồng thời trả lời các câu hỏi phản biện của hội đồng để làm rõ tính hiệu quả, thiết thực của kế hoạch.

Vòng chung khảo diễn ra như một chương trình Shark tank thu nhỏ. Ở đó, hội đồng xét duyệt và các chủ doanh nghiệp đã trao đổi, phản biện xoay quanh các yêu cầu về tính xã hội, môi trường và kinh tế của kế hoạch kinh doanh.

Theo đó, yêu cầu kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp phải tạo việc làm cho người dân địa phương; tạo sự công bằng - bình đẳng xã hội, có chính sách hỗ trợ phụ nữ, người dân tộc thiểu số, nhóm dễ bị tổn thương…

Ông Đỗ Minh Ngọc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, thành viên hội đồng xét duyệt phản biện các kế hoạch kinh doanh.

Ông Đỗ Minh Ngọc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, thành viên hội đồng xét duyệt, đặt câu hỏi phản biện với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường (thực hành các tiêu chuẩn sản xuất bền vững, như: VietGAP, GlobalGAP, 4C, Rainforest Alliance, Organic...); sản phẩm không gây mất rừng (có triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc). Công ty phải ký kết chương trình sản xuất kết hợp bảo tồn và an sinh xã hội (PPI compact) và đầu tư phù hợp với các tiêu chuẩn của GGAP và PPI Compact.

Đồng thời, cần bảo đảm tăng năng suất (tăng sản lượng, doanh thu), giảm đầu vào, chi phí sản xuất. Khả năng đối ứng, bằng cách doanh nghiệp tự góp vốn hoặc huy động vốn từ các ngân hàng, các nguồn tài chính công khác (với sự hỗ trợ của SNV) khi đang tham gia quỹ vườn ươm, tăng tốc.

Sau vòng chung khảo, trên cơ sở những phản biện, góp ý của hội đồng xét duyệt, các doanh nghiệp sẽ hoàn thiện kế hoạch kinh doanh của mình một lần nữa, sau đó ban tổ chức sẽ trình lên nhà tài trợ để xét duyệt và trao hỗ trợ.

ông Phạm Thành Nam – Quản lý dự án Café-REDD, chia sẻ tại vòng chung khảo.

Ông Phạm Thành Nam – Quản lý dự án Café-REDD, chia sẻ thông tin tại vòng chung khảo.

Theo ông Phạm Thành Nam – Quản lý dự án Café-REDD (SNV), Quỹ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp do SNV phối hợp với các nhà tài trợ thành lập, nhằm hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường giải quyết việc làm và tiếp cận thị trường thông qua sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

Quỹ được sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp mua thiết bị, máy móc; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ mới; marketing và xây dựng thương hiệu. Tổng ngân sách của quỹ trong năm đầu tiên là 80.000 Euro, sẽ được phân bổ với mức từ 10.000 - 25.000 Euro cho mỗi doanh nghiệp.


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm