Lâm Đồng: Ý tưởng khởi nghiệp “thăng hoa” trong... im lặng
Hiệp hội, doanh nghiệp là “bà đỡ” cho khởi nghiệp / Lâm Đồng: Lần đầu tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp và ý tưởng khởi nghiệp
Một ngày với Nhà của Thời Thanh Xuân
Chúng tôi tìm đến Nhà của Thời Thanh Xuân nằm lọt thỏm giữa một thung lũng, rợp màu xanh mát thông già, trong một buổi chiều đầu đông, se se lạnh.
Nơi đây là ngôi nhà chung ngập tràn hạnh phúc, sự cảm thông, thấu hiểu, sẻ chia giữa những con người bình thường với những bạn trẻ không nghe được và chẳng thể nói bằng lời. Phần lớn thành viên Nhà của Thời Thanh Xuân là những bạn trẻ câm điếc nhưng có nghị lực và ý chí nỗ lực vươn lên với những ý tưởng sáng tạo, khát khao làm việc, khát khao cống hiến...
Khách hết sức thích thú với những "sản vật" rất đỗi dễ thương do chính tay các bạn câm điếc Nhà của Thời Thanh Xuân làm ra (Ảnh: TA)
“Xin hãy đối đãi với họ, xem họ như những người bình thường, gọi họ là người câm điếc, xin chớ dùng từ “khuyết tật”. Chúng tôi cần sự đồng hành, hỗ trợ của hiệp hội, doanh nghiệp để biến những ý tưởng, dự án khởi nghiệp thành hiện thực chứ không chỉ đơn thuần đó chỉ là những ước mơ”, Võ Thành Luân, “nhạc trưởng” của Nhà, chân tình bộc bạch.
Sau khi mời chúng tôi thưởng thức hương vị ấm nóng, ngào ngạt của món trà Tây Tạng được trang trí cầu kỳ, dễ thương với những cánh hoa óng ả, chiếc gáo bằng mây đan nhỏ xíu và những chiếc bánh mì ngộ nghĩnh do chính tay các bạn trẻ câm điếc làm; Thành Luân từ tốn kể về “cơ duyên” hình thành nên Nhà của Thời Thanh Xuân.
Chàng thanh niên vừa tròn 30, quê huyện Đức Trọng, nhưng vì tình yêu với Đà Lạt nên đã ấp ủ dự định, biến nơi đây thành ngôi nhà chung, sẵn sàng dang tay đón nhận những bạn trẻ bị khiếm khuyết, để giúp các bạn có việc làm, khẳng định được giá trị tồn tại của mình, sớm hoà nhập cộng đồng.
Thành Luân kể, anh từng học một trường đại học ở Philippines, chuyên ngành Tâm lý học. Khi còn là sinh viên, trong một lần dạo phố cùng bạn, có một cậu bé mồ côi giật lấy đồ ăn của người bạn học và bị người bạn ấy đánh, khiến Luân rất đau lòng. Vì sao chỉ vì miếng ăn mà con người ta đối xử với nhau tàn nhẫn như vậy?
Ít lâu sau, một trận siêu bão càn quét, cuốn đi những gì tốt đẹp nhất của thành phố nơi anh đang sống, khiến anh cảm thấy vô cùng xót xa và quyết định quay lại Việt Nam để làm một cái gì đó, góp phần nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh vươn lên trong cuộc sống.
Một bữa cơm thân mật Nhà của Thời Thanh Xuân mời khách
Thế là cách đây 2 năm, Nhà của Thời Thanh Xuân ra đời với bao công sức, cóp nhặt của Luân và một thầy giáo câm điếc. Khi đó, nơi đây chỉ là một căn nhà hoang tàn, cỏ cây mọc kín lối đi, tôi phải đạp xe gửi bán từng bánh xà phòng trang trải, vun đắp cho dự án của mình.
“Mỗi số phận, mỗi con người đều như những đoá hoa, sẽ bung nở dù trong hoàn cảnh nào, miễn là có bạn đồng hành, có ý chí và nghị lực. Và cái chúng tôi trao cho các bạn câm điếc là cơ hội, là niềm tin yêu trong cuộc sống, là một nơi để về, một nghề để làm, để sáng tạo, cống hiến, góp phần toả hương cho đời”, Luân chia sẻ.
Ý tưởng thăng hoa trong... im lặng
Hiện Nhà của Thời Thanh Xuân có 30 thành viên, trong đó 1/3 là các bạn câm điếc. Mỗi thanh niên câm điếc đến Nhà có 2 năm để trải nghiệm nghề nghiệp, rèn luyện tác phong làm việc, tích lũy vốn để có thể tự lập.
Sắp tới, Nhà sẽ dang tay đón nhận thêm các bạn khiếm thị để tạo nên một cộng đồng hoà nhập, tương thân tương ái, giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng đồng hành làm việc, sáng tạo, hướng đến ước mơ và tương lai tươi sáng hơn. Ở đây, tất cả mọi người đều bình đẳng, yêu thương nhau, không phân biệt chủ tớ, càng không phân biệt bạn là người lành lặn hay khiếm khuyết.
Bên cạnh trà thảo mộc, bánh ngọt, du khách đến đây còn được tham quan gian phòng trưng bày các sản phẩm tinh dầu gỗ thông và sả, được trang trí đẹp mắt, kèm theo những cánh thiệp ghi những lời nhắn gửi yêu thương, tri ân. Do đó, khách hàng nhận được đều có cảm giác hạnh phúc như đang nhận một món quà đặc biệt và từ tâm trao gửi lại phần thưởng xứng đáng cho những người làm ra nó.
Từ những vật liệu sẵn có trong tự nhiên, có khi là bỏ đi như mùn gỗ thông,các bạn trẻ ở đây đã chiết xuất ra tinh dầu có giá trị cao cả về kinh tế lẫn tinh thần. Thị trường “ngách” các bạn đang hướng đến là những homestay Đà Lạt, nhất là những toilet rất cần hương thơm tự nhiên, có tác dụng khử mùi, diệt khuẩn mang lại cảm giác dễ chịu, thoải mái…
"Nhạc trưởng" Võ Thành Luân giới thiệu quy trình chiết xuất tinh dầu thông và sả của Nhà (Ảnh: TA)
“Làm xà phòng, tinh dầu không khó nhưng để truyền đạt cho các bạn hiểu và làm thì cần nhiều thời gian. Trước khi vận hành dự án, mình phải học ngôn ngữ ký hiệu, tìm hiểu tâm lý người câm điếc, tìm hiểu những mô hình điều phối nhân viên phù hợp”, Thành Luân chia sẻ.
Thời gian còn lại, cả nhà trồng rau, nuôi cá để trang trải bữa ăn. Hiện tại, xà phòng và tinh dầu do các bạn sản xuất được bỏ sỉ cho 15 đầu mối ở Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn và một số homestay ở Đà Lạt.
Để các bạn câm điếc tiếp xúc nhiều công việc, Luân mời một số nghệ nhân, thợ lành nghề đến nhà nói chuyện, hướng dẫn vẽ tranh vải, trang trí tiểu cảnh trong lọ thủy tinh, mời tình nguyện viên nước ngoài đến giúp đỡ nhằm khơi gợi nguồn năng lượng, sự tự tin ở họ.
Ngoài ra, mỗi thứ 7, chủ nhật hàng tuần, Nhà của Thời Thanh Xuân lại háo hức tổ chức “Quầy rau tử tế”, “Tháp rau tử tế” để chung sức tạo niềm vui, củng cố niềm tin và sự tử tế trong trái tim mỗi người.
Quầy rau xanh được bày cùng những tấm bảng ghi lời nhắn nhủ đến người mua: "Rau tự nhiên, bạn tự chọn rau và để tiền vào thùng gỗ nhé. Chúng mình cùng ăn rau sạch nhé!" hay "Bán rau tử tế, tự lấy rau và tự bỏ tiền vào thùng nhé" đã nhận được rất nhiều sự yêu mến của cộng đồng mạng.
“Rau tử tế ra đời, chỉ đơn giản là sự tử tế dựa trên niềm tin. Chúng tôi bán rau thậm chí không có lãi và cứ đầu tuần lại lấy rau ế về ăn. Nhưng chúng tôi nghĩ đơn giản rằng, miễn là mọi người được ăn rau sạch hơn, sống khỏe mạnh hơn là chúng tôi vui”, một bạn trẻ câm điếc “chia sẻ” với chúng tôi qua ra dấu tay.
Rau tử tế Nhà của Thời Thanh Xuân
“Cuộc sống ở Nhà của Thời Thanh Xuân trôi qua êm đềm, đôi khi làm các bạn quên cuộc đời thật ở bên ngoài cánh cổng. Tôi thường xuyên nhắc các bạn đây chỉ là chốn tạm, các bạn phải học hỏi, nhẫn nại để học nghề, hiểu người nghe nói để tự kiếm sống, xây dựng cuộc sống cho riêng mình”, “nhạc trưởng” ThànhLuân tâm sự.
Có thể nói, một ngày đến với Nhà của Thời Thanh Xuân là một ngày đầy ắp bất ngờ với đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Luân phấn khởi dẫn chúng tôi tham quan dự án của mình, những căn phòng nhỏ nhắn, trang trí đẹp mắt, gọn gàng, nơi sinh hoạt, làm việc và cả “phòng thí nghiệm” để sáng chế ra những sản phẩm tinh dầu thiên nhiên độc đáo.
Chia tay Nhà của Thời Thanh Xuân lúc trời chập choạng tối, nghe đâu đây dư âm của giọng hát, tiếng đàn dạt dào tình cảm sâu lắng diệu kỳ và hình ảnh chan hoà, gắn kết giữa những thành viên trong Nhà, họ - những người trẻ - bình thường - câm điếc, vẫn đang nỗ lực ngày đêm “thăng hoa” mùi hương để ngát thơm cho đời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo