TS Phạm S: Phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để chia sẻ khó khăn
Hải quan Đà Lạt tăng cường "số hoá”, doanh nghiệp ngồi nhà thông quan / Tháo điểm nghẽn cho hoa cắt cành Đà Lạt sang Úc
Đối thoại thẳng thắn
Chiều ngày 20/7, hơn 100 doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện, thành phố phía Bắc tỉnh Lâm Đồng (Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông), đã có buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở, ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh.
Ông Dương Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng báo cáo công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Ông Dương Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết, thời gian qua, Tổ công tác đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng (Tổ công tác) đã ghi nhận các kiến nghị vướng mắc của doanh nghiệp để chuyển đến các đơn vị liên quan để giải quyết và đã chuyển các nội dung trả lời đến các doanh nghiệp, các hiệp hội, chi hội có kiến nghị. Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng được ghi nhận đã rất tích cực trong công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã tháo gỡ được khó khăn, tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ, như: giữ nguyên nhóm nợ; gia hạn trả nợ ngân hàng; vay mới với lãi suất ưu đãi; giảm lãi suất các khoản đã vay; miễn, giảm phí thanh toán giao dịch quốc tế, nội địa; gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN; gia hạn nộp tiền thuê đất; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hoãn đóng phí công đoàn của Nhà nước để vượt qua dịch COVID-19.
Trên tinh thần thẳng thẳn, đi thẳng vào những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải, tại buổi đối thoại, đại diện của 8 doanh nghiệp, hợp tác xã đã nêu ý kiến, kiến nghị với 21 vấn đề liên quan đến 14 sở, ngành và 5 địa phương.
Ông Nguyễn Đăng Bằng – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Nam Hà phản ánh tại hội nghị.
Kiến nghị, vướng mắc tập trung vào các vấn đề về đơn giá thuê đất mới tại các khu công nghiệp cao hơn nhiều lần so với giai đoạn trước; vướng mắc trong quyết toán thuế hàng nội tiêu, thuế VAT đầu vào đầu ra; thời gian hoàn thành các thủ tục chuyển đổi đất để mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu; hỗ trợ vốn cho ngành hoa; hoạt động của doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong giai đoạn phục hồi; “cò” đặc sản làm ảnh hưởng đến du lịch Đà Lạt…
Ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Lâm Đồng, cho biết, từ đầu năm đến nay, việc tuyển dụng lao động của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Do đặc thù và áp lực công việc nên tuyển được người đã khó, giữ được họ càng khó hơn. Ông Thắng cũng nêu thực trạng việc xin chuyển đổi đất để mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang phải mất rất nhiều thời gian, khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ông Nguyễn Đăng Bằng – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Nam Hà (huyện Lâm Hà) nêu thực trạng, hiện nay giá đất trên địa bàn tăng mạnh, nhiều người dân thấy lợi trước mắt đã ồ ạt bán đất nông nghiệp, khiến HTX thiếu đất sản xuất, xã viên thiếu việc làm. “Điều đáng nói là sau khi bán đất có được một khoản tiền lớn, một số người đã không chuyển đổi nghề nghiệp mà tiêu pha, mua sắm, một thời gian hết tiền quay lại thì đã không còn đất để sản xuất, dẫn tới thất nghiệp”, ông Bằng cảnh báo.
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa, Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Lạt, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến ngành du lịch địa phương.
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa, Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Lạt, cho biết, hình thức du lịch trải nghiệm cắm trại qua đêm trong rừng (camping) đang được rất nhiều du khách yêu thích và lựa chọn, nhưng hiện nay vẫn đang vướng các thủ tục pháp lý, cấp phép. Do đó kiến nghị ngành chức năng cần sớm nghiên cứu cơ chế cho thí điểm thực hiện để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Đà Lạt – Lâm Đồng. Ông Nghĩa cũng nêu thực trạng kinh doanh đặc sản tiếp thị không lành mạnh hoạt động phức tạp và đề nghị ngành chức năng cần xử lý quyết liệt, dứt điểm để tránh làm ảnh hưởng đến du lịch Đà Lạt.
Đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để chia sẻ khó khăn
Trên tinh thần làm việc nghiêm túc, cầu thị, 14 sở, ngành và 5 địa phương liên quan đã trực tiếp trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp một cách thẳng thắn, dựa trên cơ sở pháp lý và điều kiện thực tế của địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đại diện Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cảnh báo một số vấn đề của doanh nghiệp đang có nguy cơ, dấu hiệu vi phạm các quy định, đề nghị cần tìm hiểu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tránh mắc sai phạm không mong muốn…
Đại diện Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng giải đáp thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của phóng viên, một số phần trả lời của cơ quan quản lý còn mang tính giải thích dài dòng, chưa đúng trọng tâm, chủ trì hội nghị đã nhắc nhở để đi thẳng vào vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Cộng đồng doanh nghiệp cũng rất hoan nghênh việc xử lý “nóng” của chủ trì hội nghị khi tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp về một số trường hợp xử lý vi phạm hành chính liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 ở cấp cơ sở chưa phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù của ngành nghề kinh doanh.
TS. Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Tổ trưởng Tổ công tác đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp, đánh giá đây là buổi đối thoại tiếp nhận được số lượng phản ánh, kiến nghị lớn nhất từ trước đến nay, tuy nhiên, chưa thể giải toả hết được các vướng mắc của doanh nghiệp. Do đó yêu cầu Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh có trách nhiệm tiếp tục ghi nhận các ý kiến, gửi đến các sở, ngành, địa phương và UBND tỉnh để giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp. Trong vòng 5 ngày, các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp phải được các sở, ngành, địa phương thông báo bằng văn bản gửi về doanh nghiệp.
TS. Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu kết luận hội nghị.
Trên tinh thần cầu thị và đồng hành cùng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân tích cực phối hợp với chính quyền, thường xuyên có những trao đổi, phản biện, giám sát, góp ý để lãnh đạo tỉnh kịp thời nắm bắt và khắc phục. Đồng thời cũng đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển, tôn trọng pháp luật, nêu cao đạo đức kinh doanh vì lợi ích của cả doanh nghiệp và địa phương.
“Thời gian là tiền bạc, tài sản của doanh nghiệp, vì thế các thành viên của Tổ công tác và các cơ quan đơn vị, địa phương hãy đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để có sự thấu hiểu, chia sẻ, kịp thời giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Cần thay đổi tư duy theo hướng đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Từ đó tạo lợi thế cho tỉnh Lâm Đồng trong việc thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính (Par Index)”, TS. Phạm S nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo