Một nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature cho biết, men răng có thể được tiến hóa từ vảy cá.
Men răng là là mô xương cứng nhất trong cơ thể con người và các động vật có xương sống khác, bao gồm cả loài cá.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết thực hư về việc, liệu men răng có được tiến hóa từ thứ được gọi là ganoine, một loại tương tự như mô men răng được phát hiện trên vẩy của các loài cá cổ đại (hóa thạch) và một vài loài cá nguyên thủy vẫn còn tồn tại đến bây giờ hay không.
Để tìm hiểu rõ ràng vấn đề này, các nhà khoa học đến từ Thụy Điển và Trung Quốc đã nghiên cứu hóa thạch của hai loại cá nhiều xương nguyên thủy từ kỷ Silur. Họ đã tìm thấy một lớp men trên vảy của những con cá, nhưng không hề có men trên răng của chúng. Phải qua hàng triệu năm tiến hóa, lớp men mới phát triển ở răng cá để làm cho chúng cứng hơn và mạnh mẽ hơn.
"Điều này cực kỳ quan trọng bởi chúng tôi hoàn toàn bất ngờ. Ở con người, men răng chỉ được tìm thấy trên răng, và nó đặc biệt quan trọng bởi chức năng của nó, do đó, thật logic khi cho rằng, nó đã tiến hóa từ chính những hàm răng”, nhà Cổ sinh vật học – giáo sư Per Erik Ahlberg thuộc đại học của Thụy Điển, Uppsala nói.
Bằng chứng từ cá hóa thạch và cá nguyên thủy
Cá là tổ tiên của động vật có xương sống trên mặt đất bao gồm cả động vật lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú, kể cả con người.
"Mặc dù lớp men trên răng của chúng ta được dùng để cắn hoặc cắt, ban đầu nó được sử dụng như một công cụ bảo vệ của cá nguyên thủy bao gồm cá nhái và các loài cá nhiều vây", tiến sĩ cổ sinh vật học Qingming Qu của Đại học Uppsala và Đại học Ottawa nói thêm.
Các nhà nghiên cứu cho biết, qua nghiên cứu các hóa thạch cho thấy, một loài cá có tên Andreolepis sống vào khoảng 425 triệu năm trước đây ở Thụy Điển đã có một lớp men mỏng trên vảy. Một loài cá khác ở khu vực Trung Quốc là Psarolepis romeri có niên đại khoảng 418 triệu năm đã có một lớp men ở trên vảy và xương mặt. Tuy nhiên, cả hai loại này đều không có men trên… răng của chúng.
Bộ gen của cá nhái đốm (tên khoa học là Lepisosteus oculatus - một loài cá nước ngọt từ miền Trung và miền Nam Hoa Kỳ) phần lớn là không thay đổi từ thời đại khủng long đã cung cấp cho các nhà khoa học nhiều manh mối.
Vảy của cá nhái (Gars), cá vây thùy (Psarolepis) và một loài cá có xương sống khác – Andreolepis, được bao phủ một lớp sáng bóng giống như men răng.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được các gen liên quan đến sự hình thành men răng góp phần hình thành lên lớp vảy của cá nhái. Lớp sáng bóng ở trên chính là một loại men.
"Các bằng chứng di truyền củng cố giả thuyết rằng ganoine là chất tương đồng với men răng", các nhà nghiên cứu tuyên bố. Dù vậy, họ cho biết sẽ tiếp tục phân tích thêm về các loài cá nguyên thủy để xác định chính xác thời gian và cơ chế hình thành men răng.