Văn hóa

Thí sinh tham gia "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết": Đừng nhìn vào khiếm khuyết trên cơ thể em...

DNVN - "Đừng nhìn vào những khiếm khuyết trên cơ thể em, thay vào đó mọi người hãy mỉm cười với em bởi chính nụ cười đem lại niềm vui, lan tỏa những dấu hiệu tích cực, tốt đẹp. Tại sao không trao nhau nụ cười để những người khuyết tật như mình cảm thấy ấm áp, xoa bớt đi những thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống..."

Chung kết Liên hoan "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết": Thí sinh liệt nửa người và ước mơ tiếp cận công trình công cộng / Liên hoan Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết: Thí sinh Nguyễn Thị Ly và ước mơ kết nối người khuyết tật

Thí sinh Phạm Thị Kim Vân (khuyết tật vận động) đến từ Quảng Nam đã chia sẻ như vậy trong cuộc phỏng vấn phần thi bán kết Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết.
Phạm Thị Kim Vân là 1 trong 9 thí sinh được Ban tổ chức Liên hoan "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" lựa chọn vào vòng chung kết sau khi vượt qua phần thi sơ khảo và bán kết hồi năm 2017.
Nội dung cuộc phỏng vấn dưới đây giúp mọi người hiểu phần nào về những điểm mạnh, điểm yếu cũng như những khó khăn và mong muốn mà cô gái nhỏ bé mang số báo danh 62 này:
A. Câu hỏi thể hiện điểm mạnh/ năng lực cá nhân
Câu 1: Bạn hãy tự giới thiệu về bản thân mình?
Hiện mình là sinh viên năm 4, Khoa Tâm Lý học trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Quê mình ở Quảng Nam và mình đã vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống được hơn 3 năm. Tên ở nhà của mình là Chút và tên tiếng Anh mình là Sullivan. Mình lấy tên dựa theo một cô giáo của Helen Keller – một người mà mình rất thích.
Câu 2: Bạn nhận định như thế nào về điểm mạnh của bản thân?
Điểm mạnh của mình là vui vẻ, nhanh nhạy và rất chịu khó. Trong công việc, mình rất ham học hỏi và luôn đúng giờ, đúng deadline.
Bạn nhận định như thế nào về điểm yếu của bản thân?
Còn điểm yếu của mình, mình thiếu một chút tự tin và một chút quyết đoán trong đưa ra vấn đề.
Câu 3: Bạn đã từng tham gia cuộc thi/ hoạt động cộng đồng nào? Và có đạt giải thưởng nào không?

Mình ít tham gia các cuộc thi nhưng mình có tham gia một dự án mà mình cảm thấy tâm đắc và làm tâm huyết. Đó là vào năm 2, mình đã tham gia một dự án hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông công cộng do UNICEF phối hợp với VYE tổ chức. Mình đã làm dự án đó trong hơn 1 năm và cảm thấy dự án đã giúp mình trưởng thành hơn và cho mình nhiều bài học ý nghĩa. Theo mình đánh giá, dự án thực sự thiết thực với người khuyết tật nên mình cảm thấy rất hài lòng.
Mình có tham gia cuộc thi viết văn và đạt giải khuyến khích.
Câu 4: Vì sao bạn quyết định tham gia Liên hoan “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết”?
Mình quyết định tham gia là vì lần đầu tiên thấy chị Hoa - quán quân 2 năm trước - người mà mình rất yêu thích khâm phục, đồng thời nhận thấy chương trình rất ý nghĩa. Và mình đã nói với chị ấy là 2 năm sau em sẽ tham gia chương trình.
Lý do khác nữa là mình muốn giao lưu với người khuyết tật, đặc biệt là những bạn khuyết tật ở khắp mọi nơi. Đây cũng là dịp để người khuyết tật thể hiện sự tự tin cũng như vẻ đẹp của bản thân, hơn hết có một tâm hồn đẹp.
Câu 5: Bạn đã chuẩn bị như thế nào để tham gia vào Liên hoan năm nay?
Để chuẩn bị tham gia cuộc thi, minh duy trì một tinh thần vui vẻ, thoải mái và hào hứng để được gặp các bạn cùng hoàn cảnh trên cả nước.
B. Câu hỏi thể hiện suy nghĩ sáng tạo và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống
Câu 6: Phương châm sống của bạn là gì?
Trước giờ, mỗi giai đoan, mỗi thời kỳ thì có những suy nghĩ khác nhau, nhưng Vân luôn suy nghĩ một điều là “tôn trọng sự khác biệt”. Mỗi người có suy nghĩ, hành động, bản chất, cái riêng của mình nên không ai có thể áp đặt hay ra điều kiện. Do vậy, mình luôn tôn trọng sự khác biệt của mỗi người. Đó là cái để mình tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác.
Câu 7: Bạn thường gặp phải những khó khăn gì trong cuộc sống?
Về khó khăn trong cuộc sống, mỗi người định nghĩa cho mình một cách khác nhau. Tuy nhiên, bản thân là người khuyết tật và mọi người đều có thể nhận thấy những khó khăn của mình. Tuy vậy, Vân không cho đó là khó khăn, mà đó chỉ là thử thách để vượt qua.
Hàng ngày mọi người vẫn tự sinh hoạt bình thường, có thể là hơi chậm hơn một chút so với người không khuyết tật.
Bản thân mình không muốn người khác giúp đỡ. Tuy nhiên, đi học nhiều, tiếp xúc nhiều thì Vân thấy việc nhờ người khác giúp đỡ là vô cùng cần thiết. Nếu như mình không thể làm được thì mình cứ sẵn sàng nhờ, đó là một cách để tạo cho mọi người thoải mái, để mọi người có cơ hội được cho đi.

Câu 8: Điều gì khiến bạn cảm thấy hạnh phúc nhất?
Điều Vân cảm thấy hạnh phúc nhất là nhìn thấy nụ cười của bản thân và tất cả mọi người, chính nụ cười đem lại niềm vui, lan tỏa những dấu hiệu tích cực, tốt đẹp. Tại sao không trao nhau nụ cười để những người khuyết tật như mình cảm thấy ấm áp, xoa bớt đi những thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống...
C. Câu hỏi thể hiện suy nghĩ phản biện và tích cực về người khuyết tật Việt Nam
Câu 9: Bạn có cảm nghĩ gì về cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam nói chung?
Hồi trước ở quê khi đi học, người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng sau khi vào Sài Gòn học, Vân nhận thấy càng ngày người khuyết tật càng được quan tâm, hỗ trợ từ xã hội. Ví dụ người khuyết tật có thể sử dụng và tiếp cận những hỗ trợ dành riêng tại những địa điểm công cộng ở Sài Gòn. Có rất nhiều trung tâm hỗ trợ dạy nghề cũng như hỗ trợ cho bố mẹ cả về vật chất lẫn tinh thần để chính các bạn khuyết tật vươn lên mặc cảm của bản thân, khó khăn của gia đình, qua đó giúp người khuyết tật tự hào về chính thể xác không lành lặn của mình.
Câu 10: Khó khăn lớn nhất của người khuyết tật là gì? Làm sao để giải quyết khó khăn đó?
Theo Vân, khó khăn lớn nhất của người khuyết tật là vượt qua mặc cảm, tự ti của chính bản thân mình. Không nhiều người khuyết tật chấp nhận được rằng bản thân mình là người khuyết tật. Em nghĩ khi đã chấp nhận được bản thân mình là người khuyết tật thì người khuyết tật làm được nhiều hơn những gì họ nghĩ và người ta có thể thể hiện được bản thân và sống thực sự một cuộc sống trọn vẹn.
Để người khuyết tật vượt qua được mặc cảm, tự ti, nhận thức được những hạn chế của mình, không ngừng cố gắng thì em nghĩ là cho người khuyết tật cơ hội thể hiện khả năng thực sự của họ bằng những thành công nhỏ.
Ví dụ trong những sinh hoạt hàng ngày, bố mẹ nghĩ con khuyết tật, con không làm được nhưng hãy để những bạn khuyết tật tự làm thì mấy bạn đó mới thấy là mấy bạn có ích và thấy được giá trị của những việc bạn làm. Thực tế là họ có thể làm được những công việc khác, nhưng bố mẹ cứ luôn che chở và nghĩ là con không làm được thì sẽ làm cho người khuyết tật cảm thấy mình vô dụng, dần dần lệ thuộc vào người khác.
Thêm nữa là bố mẹ và bạn bè tạo động lực, là nguồn cảm hứng để khuyến khích, động viên người khuyết tật nhiều hơn nữa, và cho các bạn thấy được những tấm gương người khuyết tật đã thành công. Em không định nghĩa “thành công” ở đây là giàu có hay gì hết mà thành công nghĩa là tự chăm sóc được bản thân, tự sống thật với đam mê, mong muốn và sống được với những khả năng mà các bạn có, chứ không phải sự tự ti, nhút nhát.
D. Câu hỏi thể hiện hình ảnh tự tin, năng động, ấn tượng
Câu 11: Bạn định nghĩa như thế nào về “Vẻ đẹp”?
Theo Vân, đẹp từ tâm hồn, đẹp từ đôi mắt của những người mà Vân gặp chứ không phải đẹp từ vẻ bề ngoài. Vẻ bề ngoài chỉn chu, gọn gàng cũng là một cách làm đẹp, nhưng đẹp cái đó bất cứ ai cũng có thể làm được, trang điểm có thể làm mình đẹp lên, nhưng nét đẹp trong đôi mắt, từ chính cử chỉ, hành động, lời nói của người đó sẽ cho thấy vẻ đẹp về tâm hồn.
Câu 12: Lợi thế của bạn so với các thí sinh khác là gì?
Tham gia chương trình mình thấy rất vui và là cơ hội cho các bạn khuyết tật, đặc biệt là các bạn khuyết tật nữ. Em nghĩ là lợi thế dành cho tất cả các bạn.
Vì sao bạn nghĩ bạn xứng đáng bước vào Vòng Chung kết?
Em nghĩ em xứng đáng bước vào Vòng Chung kết vì em là người khuyết tật và em tự hào về những cái gì em có. Và bằng những cố gắng, nỗ lực của chính bản thân mình thì em cũng như nhiều bạn khác sẽ có cơ hội được gặp gỡ với các bạn khuyết tật khác và được thử sức mình với chương trình.

Câu 13: Đóng góp của bạn đối với cộng đồng nếu bước tiếp vào vòng trong, đặc biệt nếu dành giải hoa khôi?
Em học Tâm lý học thì lựa chọn con đường và đối tượng em hướng đến là người khuyết tật và trẻ em, cho nên bản thân em đã, đang và cũng sẽ tiếp tục có những hoạt động để cùng với người khuyết tật có thể cùng cải thiện hơn chất lượng. Và em rất mong muốn tất cả người khuyết tật đều có cơ hội hòa nhập cộng đồng và có cơ hội được thể hiện bản thân mình, được tự tin và đó là điều mà em mong muốn.
Câu 14: Thông điệp mà bạn muốn gửi tới cộng đồng khi tham gia cuộc thi này?
Thông điệp mà em muốn gửi tới cuộc thi là “hãy nhìn em và đừng nhìn vào khiếm khuyết trên cơ thể em”.
Câu 15: Nếu được tham gia vào Vòng Chung kết, bạn sẽ thể hiện năng khiếu gì trong phần thi Tài năng?
Nếu là người may mắn bước vào vòng trong, tài năng của em sẽ thuyết trình.
Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm