Hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến: Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì?

DNVN - Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong những tháng đầu năm 2019 tăng khá mạnh so cùng kỳ năm 2018 cũng như năm 2017. Điều này đặt ra những rủi ro nhất định đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

VINASME trao quyết định bổ nhiệm chức Phó viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa / Cyradar ra mắt giải pháp bảo mật toàn diện dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tại Diễn đàn "Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung" diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát hải quan, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã phân tích thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ và các nước CPTPP trong 6 tháng đầu năm nay.
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng như các cơ quan liên quan, ông Âu Anh Tuấn cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 27,52 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, trong năm 2018, trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 47,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2017.
"Trong 6 tháng đầu năm và đặc biệt là 7 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng rất mạnh, tăng rất mạnh hơn nhiều so với tốc độ tăng trung bình của cả nước kim ngạch xuất khẩu nói chung cũng như sang các thị trường khác. Thực tế là xuất khẩu sang EU chỉ đạt 0,7% tức là tăng khá thấp, còn xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt trong tháng 7 xuất khẩu một số mặt hàng giảm mạnh như xuất khẩu hoa quả giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái", Cục trưởng Cục Giám sát hải quan đánh giá.
Theo số liệu của Hải quan Mỹ, trong 7 tháng đầu năm, thặng dư thương mại với Mỹ là 25,3 tỷ USD. Còn theo số liệu của cơ quan hải quan Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ là 33 tỷ
tỷ USD, còn nhập khẩu khoảng 8 tỷ USD, như vậy Việt Nam xuất siêu sang Mỹ khoảng 25 tỷ USD.
"Đây là số liệu bất thường so với XK sang các thị trường khác, kể cả các thị trường mà Việt Nam có hiệp định thương mại tự do như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và Newzeland", ông Âu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Tuấn dẫn chứng một số nguy cơ cao khi năm 2018 chỉ có 13/37 mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến, thì 6 tháng đầu năm 2019 tăng lên 15 mặt hàng.
Trong số đó, có những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ như xơ sợi dệt tăng 92,87%, sắt thép tăng hơn 81%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 51%, điện thoại và linh kiện tăng 13%, điện dây cáp điện hơn 100%, máy quay phim và thiết bị điện tử 83%, nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng hơn 50%…
Theo ông Tuấn, có sự trùng khớp về việc các mặt hàng này cũng nhập khẩu tăng đột biến và đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ. Do đó, cần cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng bởi những nguy cơ gian lận xuất xứ.
Với con số này, ông Tuấn cũng cho rằng đây là dấu hiệu bất thường trong bối cảnh những mặt hàng này hiện tại chúng ta xuất khẩu nhiều sang Mỹ trùng với những mặt hàng mà Trung Quốc và một số quốc gia khác áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, thuế trợ cấp, thuế chống bán phá giá.
Phân tích về rủi ro đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Tuấn lấy ví dụ cụ thể đối với 3 nhóm sản phẩm xuất khẩu tăng mạnh sang Hoa Kỳ. Với sản phẩm gỗ: Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán (Plywood) Trung Quốc là 183,36%, thuế chống trợ cấp từ 22,98% - 194,90%. Với Xơ sợi tổng hợp: Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá với Synthetic Staple Fiber Trung Quốc từ 65,11% - 103%, thuế chống trợ cấp cũng được áp ở mức khá cao từ 37,75% - 42,66%. Với sản phẩm bằng sắt: Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá với Steel Rack Trung Quốc ở mức rất cao từ18,06% - 144,50%, thuế chống trợ cấp từ 1,5% - 102,23%.
Ông Tuấn nhận định, kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh so với cùng năm ngoái trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đối với những mặt hàng này lại tăng mạnh, và đồng thời chúng ta lại nhập khẩu những mặt hàng đó từ Trung Quốc. Do đó, nguy cơ về gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại mà hải quan Mỹ áp dụng với một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, là điều các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm.
Trên góc độ khác, tại Hội thảo "Xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và những điểm cần lưu ý" diễn ra mới đây tại Hà Nội, bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch AmCham TP Hồ Chí Minh, đồng thời là Giám đốc điều hành ITL Việt Nam cho biết: phần tăng trưởng lành mạnh mỗi năm đối với mỗi thị trường thường dao động từ 25 đến 30% về mặt xuất khẩu. Các chuyên gia về kinh tế và thương mại đều nhận định rằng xuất khẩu tổng quan trên thế giới đang giảm. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại đang được hưởng hoạt động xuất khẩu tăng một phần do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Và đó là tin tốt nhưng tất nhiên tin tốt này cũng gắn với một số rủi ro nhất định.
Với thực trạng và phân tích này, bà Amanda Rasmussen khuyến nghị Việt Nam cần phải để ý đến việc tăng trưởng xuất khẩu trên, không thể phụ thuộc quá nhiều vào việc được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt là các shipper cần phải lưu ý về xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ thay vì xuất khẩu gián tiếp từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi từ Việt Nam qua Mỹ.
"Thực tế cho thấy đang có sự tăng tốc chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực. Dù Việt Nam có lợi thế trong tình huống đó nhưng đó là lợi thế rất hữu hạn. Việt Nam cũng chỉ có thể hấp thụ một phần lượng hàng chuyển từ Trung Quốc ra thị trường khác vì chúng ta không thể đủ khả năng hấp thụ hết toàn bộ ", bà Amanda Rasmussen nói thêm.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch AmCham TP Hồ Chí Minh cho rằng, trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là người XK và gửi hàng, phải làm mọi thứ đúng đắn và chuẩn chỉ, chấp hành các quy định về XNK của Mỹ vốn khá đặc thù so với các nước trên thế giới. Điều cần lưu ý nữa đối với Việt Nam, theo bà Amanda Rasmussen, là để không phụ thuộc quá nhiều, không hỗ trợ quá nhiều vào quá trình XK gián tiếp của Trung Quốc sang Mỹ thông qua Việt Nam.
Trong khi đó, ông Âu Anh Tuấn đưa ra một số khuyến cáo với DN Việt Nam. Đó là nâng cao nhận thức, năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, ghi nhãn; nâng cao tính tuân thủ pháp luật, thực hiện theo đúng các cam kết quốc tế về quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Không tiếp tay cho hoạt động chuyển tải hàng hóa từ các nước đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sang Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu đi nước thứ ba, đồng thời phải thực hiện quản trị tốt công việc lưu trữ chứng từ về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, sản phẩm để phục vụ hoạt động xác minh, điều tra của hải quan nước nhập khẩu.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm