Chuyển đổi số ngành du lịch: Mọi thành phần trong doanh nghiệp đều phải là "sứ giả"
DNVN - Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), chuyển đổi số ngành du lịch phải được dẫn dắt từ trên xuống và phải được “thông suốt” đến từng người trong doanh nghiệp. Tất cả đều phải là những “sứ giả” chuyển tải các thông điệp chuyển đổi số để có thể tương tác với khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Chuyển đổi số trở thành chiến lược quốc gia tại nhiều nước thuộc khu vực APAC / Tiến trình chuyển đổi số ngành dịch vụ mới ở mức khởi động
Chuyển đổi số là bắt buộc
Tại hội thảo Chuyển đổi số ngành du lịch - xu hướng và giải pháp do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 26/5, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Phó Chủ tịch VINASA cho biết: Từ ngày 15/3/2022, du lịch quốc tế của Việt Nam mở cửa hoàn toàn trở lại và trong tháng 4/2022, Việt Nam đã đón hơn 101 nghìn lượt khách quốc tế.
Theo tổng cục thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 đạt 101,4 nghìn lượt người, gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước, tăng 184,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, để thúc đẩy khả năng phục hồi và bứt phá cho ngành du lịch thì chuyển đổi số là một trong những giải pháp hữu hiệu để chúng ta thích nghi với bối cảnh “không phải là bình thường mới” mà phải là “hoàn toàn mới”.
Nhấn mạnh vai trò của hoạt động chuyển đổi số và công nghệ, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, công nghệ đang là chìa khóa để giải tất cả các bài toán trong kinh doanh. Du lịch là một trong những ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp liên quan đến rất nhiều ngành khác với sự tham gia của nhiều đối tác.
Theo các chuyên gia, công nghệ là chìa khóa, chuyển đổi số là bắt buộc với ngành du lịch hiện nay.
Chuyển đổi số được nhìn nhận là quá trình chuyển dịch, hình thành nền tảng, môi trường mà ở đó diễn ra sự kết nối, những giao dịch, tương tác giữa các chủ thể trong ngành du lịch bằng các công cụ, ứng dụng cũng như sử dụng nguồn dữ liệu số đã được số hóa.
Với tính năng vượt trội của các loại công nghệ, với những tiện ích mới và phát minh mới trong lĩnh vực công nghệ làm cho giao dịch, tương tác trong hoạt động du lịch trở nên hiệu quả, tạo ra bứt phá trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Bà Đỗ Hồng Xoan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cũng cho rằng, chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết để phục hồi sau COVID-19 và phát triển bền vững trong tương lai. Với các DN du lịch Việt Nam hiện nay, trong đó có lữ hành, khách sạn, dịch vụ cung ứng... vấn đề chuyển đổi số không phải là chiến lược tùy chọn, mà là điều bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên trường quốc tế.
Doanh nghiệp nhỏ gặp khó
Tuy nhiên, theo bà Xoan, ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn. Số liệu thống kê cho thấy, ngành có gần 2.700 công ty lữ hành quốc tế, 820 DN lữ hành nội địa, 3.380 cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc. Trong đó, có 191 khách sạn 5 sao, trên 300 khách sạn 4 sao, 800 khách sạn 3 sao, còn lại là khách sạn 1, 2 sao.
"Các khách sạn cao cấp và những DN lữ hành quy mô lớn chiếm tỷ trọng rất thấp so với tổng thể các DN đang hoạt động trong ngành, nên việc ứng dụng CNTT là vô cùng quan trọng đối với hệ thống các DN du lịch quy mô nhỏ và các khách sạn ít sao. Các DN quy mô nhỏ đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu hụt nguồn nhân lực giỏi, trong khi nhân lực yếu kém thì thừa nhiều. Để tuyển chọn được nhóm chuyên gia giỏi về ứng dụng công nghệ thực sự là bài toán không dễ với những DN này", bà Xoan nêu.
Quốc hội đã thông qua chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, riêng du lịch đã được bổ sung ngân sách để thực hiện chuyển đổi số và xúc tiến quảng bá du lịch, qua đó hỗ trợ ngành phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch.
Cần sự thông suốt ở tất cả các bộ phận
Chia sẻ giải pháp, Phó Chủ tịch VINASA cho rằng, ở mô hình doanh nghiệp, muốn chuyển đổi số thành công thì bộ máy điều hành của doanh nghiệp mà đặc biệt là bản thân của người đứng đầu doanh nghiệp, hay nói khác là ông chủ doanh nghiệp phải thật sự quan tâm xem đây là công cụ để thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp mình.
Chuyển đổi số phải được dẫn dắt từ trên xuống và phải được “thông suốt” đến từng người trong doanh nghiệp. Đó là những người làm công việc rất đơn giản như anh bảo vệ, chị lao công – họ phải là những “sứ giả” chuyển tải các thông điệp chuyển đổi số để có thể tương tác với khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Trong khi đó, theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, đứng trước vận hội mới và những thách thức, các DN du lịch và công nghệ tham gia vào quá trình chuyển đổi số cần nắm bắt được các xu hướng du lịch để có giải pháp thích ứng, có những ý tưởng tiên phong, mang đến sản phẩm du lịch số đáp ứng nhu cầu khách hàng.
4 xu hướng du lịch đang nổi lên hiện nay gồm: du lịch thông minh; sự tham gia chủ động của khách hàng; sự liên minh, liên kết trong kinh tế chia sẻ giữa các DN, các nhà cung cấp sản phẩm du lịch; xu hướng khuyếch trương cực đại cảm xúc trong trải nghiệm du lịch của khách hàng.
Bản thân các DN cần chủ động sáng tạo, quan tâm và đầu tư thực sự cho hoạt động chuyển đổi số. Các DN từ những người đứng đầu phải coi du lịch số là chìa khóa để cạnh tranh, hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới.
Để hướng tới phát triển du lịch ngày càng xứng tầm thời đại, đặc biệt sau COVID-19, Chính phủ đã xây dựng đề án chuyển đổi số, trong đó hướng tới việc hình thành trục liên thông quản lý giữa các cơ quan trung ương và địa phương, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu số quốc gia và hình thành sàn giao dịch điện tử kết nối các DN với dịch vụ và khách du lịch.
"Hy vọng 3 trụ cột này trong đề án chuyển đổi số ngành du lịch là nền tảng, là khung tạo điều kiện thuận lợi cho các DN du lịch và công nghệ phối hợp với nhau để tác nghiệp trên hệ thống nền tảng, từ đó thúc đẩy ngành phát triển mạnh mẽ", ông Siêu bày tỏ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo