Chuyển đổi số tại nhiều doanh nghiệp tài chính ngân hàng chững lại sau thành công ban đầu
DNVN - Trong 4 mức độ chuyển đổi số gồm chưa khởi động, bắt đầu, hình thành và phát triển thì nỗ lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp (DN) tài chính - ngân hàng ở mức đang hình thành (mức độ 3). Trong đó, xu hướng chuyển đổi số tại rất nhiều DN đã chững lại sau những thành công ban đầu và dự án đầu tư khép lại.
Thời điểm thích hợp để ngành Lâm nghiệp đổi mới sáng tạo / Thời điểm "vàng" giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công
Đây là một phần thực trạng về hoạt động chuyển số của ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam được chỉ ra tại hội thảo công bố báo thường niên kinh tế Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức mới đây.
Báo cáo gồm 6 chương, trong đó chương 4 phân tích chuyên sâu năng lực chuyển đổi số của ngành tài chính - ngân hàng, 1 trong những ngành mũi nhọn của lĩnh vực dịch vụ cũng như nền kinh tế.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS Phạm Thế Thành, Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tại Việt Nam, với sự tăng trưởng kinh tế đột phá và nhiều điểm nhấn trong vài thập kỷ gần đây, vai trò và chức năng của hệ thống tài chính cũng được Nhà nước, DN và người dân đánh giá cao. So với các quốc gia khác trên thế giới, hình thức và tổ chức của hệ thống tài chính Việt Nam có nhiều điểm chung, nhưng cũng hàm chứa những đặc trưng riêng có.
ThS Phạm Thế Thành, Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày thực trạng hoạt động chuyển số ngành tài chính - ngân hàng.
Sự phát triển ngành tài chính – ngân hàng Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới đã áp dụng chuyển đổi số kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính khiến nền kinh tế toàn cầu sụp đổ. Chuyển đổi số đã đem lại một xu hướng mới và giải pháp sáng tạo hơn cho các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và quản lý tài sản truyền thống. Khi áp dụng chuyển đổi số vào các ngành đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của thị trường, đối với thị trường ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm.
Theo ông Thành, tại Việt Nam, trong những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm với nhiều văn bản, chính sách và hành lang pháp lý được nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành.
Thị trường vốn và thị trường tiền tệ ngày nay đang ở trong xu thế chuyển đổi và thích ứng với các xu hướng và công nghệ kỹ thuật số cũng như đổi mới với các mô hình kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ mới.
Về thực trạng chuyển đổi số, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, phân tích 4 mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: Khởi động, bắt đầu, hình thành và phát triển. Kết quả cho thấy, nỗ lực chuyển đổi số của các DN trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đều đang ở mức đang hình thành và sẽ sớm phát triển trong tương lai.
95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Đầu tư cho chuyển đổi số 15.000 tỷ đồng mỗi năm, chiếm từ 20-30% tổng chi phí đầu tư hoạt động của 10 ngân hàng thương mại lớn. Các công nghệ số được áp dụng trong lĩnh vực này gồm định danh điện tử eKYC, chữ ký điện tử, thanh toán qua điện thoại/ mã QR, trợ lý điện tử… Năm 2021, Việt Nam có hơn 150 công ty thuộc mảng Fintech, so với 39 công ty vào năm 2015.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam (AIA Việt Nam) là những doanh nghiệp tài chính ngân hàng tiêu biểu đại diện cho nhiều DN Việt Nam có các hoạt động tích cực trong chuyển đổi số.
"Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất khi thực hiện chuyển đổi số trong các DN là làm sao để văn hóa DN, các chiến lược đi được đến từng nhân viên mọi cấp, không chỉ đơn thuần là câu chuyện hạ tầng trong các DN.
Hơn nữa, các DN cần lưu ý chuyển đổi số là quá trình lâu dài chứ không đơn thuần được thực hiện cho đến khi vòng đời dự án khép lại. Có rất nhiều DN đang chuyển đổi số ở những dự án được đầu tư lớn nhưng sau khi dự án đi vào hoạt động, chạy ổn định xong thì xu hướng chuyển đổi số tại một số DN có phần chững lại sau những thành công ban đầu. Đây là lưu ý trong quá trình chuyển đổi số của các DN", ông Thành nói.
Do đó, bên cạnh việc đầu tư theo dự án, nhóm nghiên cứu khuyến nghị các DN cần có bộ phận, ngân sách thường xuyên phân bổ cho công tác chuyển đổi số, tránh trường hợp gián đoạn chuyển đổi số khi các dự án khép lại.
DN cần ban hành chiến lược, văn hóa chuyển đổi số nội bộ và có kế hoạch truyền thông nội bộ, đưa các chiến lược và văn hóa này trở thành một phần của doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá các tác động của chuyển đổi số tới hiệu quả hoạt động, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo