Không thể chuyển đổi số khi còn quá nhiều giấy phép con
DNVN - Theo TS Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, không thể áp dụng công nghệ số vào một chu trình thủ tục hành chính phức tạp với quá nhiều giấy phép con như hiện nay. Nếu Việt Nam không cải cách thủ tục hành chính thì không thể chuyển đổi số.
Cisco đứng thứ nhất bảng xếp hạng nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2022 / Thời điểm thích hợp để ngành Lâm nghiệp đổi mới sáng tạo
Trước năm 2019, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số của Việt Nam cao nhưng tốc độ chuyển đổi số cũng chỉ ở mức tương đối, các ngành hoạt động trên nền tảng số tuy có triển vọng nhưng chưa có quy mô lớn. Theo báo cáo của Tập đoàn Ciso, năm 2019, Việt Nam xếp hạng thứ 70/141 quốc gia về mức độ sẵn sàng số hóa.
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, yêu cầu nâng cao nền tảng số trong phát triển kinh tế ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Điều này đã tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, thông qua cung cấp đầu vào chất lượng cao và đảm bảo đầu ra cho các ngành công - nông nghiệp.
Tại hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức ngày 20/5 tại Hà Nội, TS Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã có kế hoạch chuyển đổi số với việc các tỉnh, thành lập ra ban chuyển đổi số, nhưng chuyển đổi số dường đang là phong trào nhiều hơn là xu hướng thị trường. Trong khi đó, chuyển đổi số thực chất là xu hướng chứ không phải là phong trào. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã chuyển đổi số thành công mà không cần sự giúp đỡ của Nhà nước.
Theo chuyên gia này, nếu so sánh giữa chuyển đổi số và đơn giản thủ tục hành chính (TTHC) thì nhiều khi đơn giản hóa TTHC đem lại hiệu quả cao, nhanh và không phải đợi đến chuyển đổi số.
"Trên thực tế, không thể áp dụng công nghệ số vào trong một chu trình hành chính quá phức tạp, quá nhiều giấy phép con. Trước khi áp dụng chuyển đổi số, cần rút bớt thủ tục giấy tờ hành chính. Khi đã là phong trào, chuyển đổi số gần như có tác động ngược, tức là xao nhãng vấn đề cải cách TTHC vốn được coi là ưu tiên cốt lõi", chuyên gia nhìn nhận.
Theo TS Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, chuyển đổi số tại Việt Nam dường đang là phong trào nhiều hơn là xu hướng thị trường.
Với dịch vụ công, chuyển đổi số chỉ là công cụ để hỗ trợ cải cách TTHC, sau đó tăng cường hiệu quả. Nếu không cải cách TTHC thì TTHC tiếp tục phức tạp với hàng ngàn giấy phép con cùng với chu trình phức tạp thì không thể chuyển đổi số.
"Thay vì xác định chuyển đổi số là phong trào, cần xác định nó là xu hướng tất yếu của thị trường, buộc phải làm và nếu không làm thì Việt Nam không thể hy vọng thúc đẩy tăng trưởng. Vai trò của Nhà nước trước hết vẫn phải tập trung vào đơn giản TTHC rồi mới áp dụng chuyển đổi số", ông Cường khuyến nghị.
Đồng quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Cố vấn cấp cao Viện công nghệ quốc tế TFGI cho rằng, cho đến thời điểm này, nhận thức vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu. Trong các văn kiện, nghị quyết và chương trình hành động của Việt Nam đều đang tiếp cận vấn đề chuyển đổi số theo nghĩa rất hẹp. Dường như chỉ là công nghệ hóa thông tin lĩnh vực chuyển đổi số và coi công nghệ thông tin là trụ cột, là thước đo của quá trình đó. Điều này không đúng.
Việc số hóa, hoạt động theo hình thức online, thực hiện thương mại điện tử hay ngân hàng điện tử, Chính phủ điện tử chỉ là giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi số và cũng không phải là tất cả, không phải là vấn đề chính. Cái chính của chuyển đổi số là phải thay đổi mô hình quản lý nền kinh tế và thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp.
"Như ông Cường nói, nếu vẫn giữ các TTHC hiện nay hoặc cải tiến không đáng kể mà tiến hành chuyển đổi số thì sẽ không có tác dụng bao nhiêu. Cũng như mô hình sản xuất kinh doanh của DN không thay đổi, không theo kiểu kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, không đưa ra mô hình vật lý cho mô hình tổ chức sản xuất thì DN áp dụng công nghệ số vào cũng không có hiệu quả cao", ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là phải thay đổi mô hình quản lý nền kinh tế và thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp.
Chuyển đổi số nền kinh tế là một cuộc cải cách, một cuộc cách mạng. Theo đó, phải cải cách từ mô hình kinh doanh và mô hình quản trị Nhà nước. Áp dụng công nghệ số, online hóa hay thương mại điện tử chỉ là 1 khâu đầu tiên của tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại. Phải làm sao chuyển được các mô hình kinh doanh và nền kinh tế sang mô hình thông minh, với việc tham gia của con người ở những khâu chính chốt, còn lại do máy móc và trí tuệ nhân tạo.
Nếu tất cả vẫn do con người ứng xử, phân tích, đưa ra quyết định thì không có chuyển đổi số theo đúng nghĩa. Chuyển đổi số phải tạo ra năng suất lao động 200 - 300%, chứ không phải là 20 - 30% hay ít hơn.
"Điều cốt lõi là phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị Nhà nước, phải cải cách TTHC. Đây là nền tảng để chúng ta ứng dụng công nghệ số mới phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả cao", ông Lộc nói.
Tiếp cận internet, trực tuyến Việt Nam làm khá tốt nhưng chuyển đổi số theo nghĩa đích thực là chuyển đổi mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất để tạo nên sự thay đổi về năng suất lao động thì chúng ta chưa làm được. Không nên biến chuyển đổi số thành phong trào nhưng cũng đừng thực hiện chuyển đổi số một các hời hợt ở vòng ngoài.
Trong tiến trình chuyển đổi số, người dân, các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ phải là trung tâm và hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình này. Phát triển bao trùm là không để những đối tượng này đứng ngoài vòng chuyển đổi số.
Theo đánh giá của ông Lộc, chương trình chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin & Truyền thông trình Chính phủ được xây dựng theo góc nhìn của những người làm công nghệ thông tin. Do đó, chưa chắc việc đặt "tổng hành dinh" chuyển đổi số tại Bộ Thông tin & Truyền thông là hợp lý.
"Theo tôi, "tổng hành dinh" mô hình nền kinh tế số của Việt Nam phải đặt tại Bộ Kế hoạch & Đầu tư bởi chuyển đổi số phải bắt đầu tư mô hình kinh tế, ở trung tâm thể chế, chứ không phải là công cụ, là phương tiện. Còn trong quá trình chuyển đổi, phải đặt DN là trung tâm, là vấn đề của thị trường, công nghệ. Động lực chính của chuyển đổi số là cộng đồng DN và các hiệp hội DN", Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo