Tiến trình chuyển đổi số ngành dịch vụ mới ở mức khởi động
DNVN - Tại hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức sáng 20/5 tại Hà Nội, đại diện nhóm nghiên cứu nhận định, dấu ấn chuyển đổi số của các ngành dịch vụ đã thể hiện mạnh mẽ hơn trong đại dịch COVID-19. Tuy vậy, tiến trình chuyển đổi số mới ở mức khởi động.
AWS hỗ trợ đào tạo kĩ năng điện toán đám mây miễn phí / Cisco đứng thứ nhất bảng xếp hạng nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2022
Thứ hạng khiêm tốn
Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Trước năm 2019, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam cao nhưng tốc độ chuyển đổi số cũng chỉ ở mức tương đối, các ngành hoạt động trên nền tảng số tuy có triển vọng nhưng quy mô chưa lớn. Theo báo cáo của Tập đoàn Ciso, năm 2019, Việt Nam xếp hạng thứ 70/141 quốc gia về mức độ sẵn sàng số hóa.
Đại dịch COVID-19 đã làm 69% doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam phải tạm ngừng hoạt động, trong đó phần lớn là DN nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó ngành dịch vụ có tỷ lệ lao động mất việc trên 50%; dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chỉ còn 4% duy trì hoạt động. Trái ngược với các hoạt động kinh doanh truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, đại dịch COVID-19 không những không làm suy giảm nền kinh tế số mà còn tạo cả áp lực lẫn động lực thúc đẩy DN và chính phủ chuyển đổi.
Nhấn mạnh thực trạng chuyển đổi số ngành dịch vụ, ông Việt cho biết, nhìn sơ bộ vào các báo cáo của các tổ chức quốc tế và chuyên sâu về công nghệ số thì Việt Nam vẫn ở thứ hạng khá khiêm tốn trong số các quốc gia xếp hạng ở mức trung bình.
Nghiên cứu mức độ trưởng thành về số hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) của IDC - Cisco năm 2020 cho thấy các DN Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng chuyển đổi số với 14 quốc gia được khảo sát. Chỉ có 3 quốc gia là Philippines, Indonesia và Việt Nam là xếp hạng mức độ "bàng quan kỹ thuật số".
Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chuyển đổi số của ngành dịch vụ Việt Nam vẫn ở thứ hạng khá khiêm tốn trong số các quốc gia xếp hạng ở mức trung bình.
Các nước còn lại đều ở mức 2 là “quan sát kỹ thuật số”. Điều đó có nghĩa là các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam mới tập trung vào hiệu quả chi phí, chưa đầu tư vào chuyển đổi số. Hầu hết các quy trình sản xuất, kinh doanh là do con người thực hiện và đặc biệt thiếu kỹ năng số.
Trong đó, một số thứ hạng về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam tương đối tốt nhưng thứ hạng về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sự sẵn sàng của hệ thống DN về sự đầu tư vào kinh tế số ở cả khu vực Nhà nước và tư nhân còn rất khiêm tốn.
Dấu ấn chuyển đổi số đã thể hiện mạnh mẽ hơn trong sức ép của đại dịch COVID-19. Theo báo cáo khảo sát của Base.vn năm 2021, 50% DN đầu tư triển khai công nghệ cho vận hành nội bộ, 36,76% DN tuyển dụng và đào tạo nhân sự từ xa, 8 triệu người dùng mới trên các nền tảng kỹ thuật số. Hơn 60% DN Việt Nam có ý định tiếp tục kết hợp làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng. Hơn 77% DN lựa chọn triển khai mô hình kết hợp giữa kinh doanh online và tại chỗ sau dịch.
Các lĩnh vực cụ thể như y tế, giáo dục, thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng, logistics ghi nhận sự thích ứng mạnh mẽ. Điển hình, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng mạnh so với 11,08 tỷ USD ghi nhận trong năm 2020, 10,8 tỷ USD trong năm 2019, và 8,06 tỷ USD trong năm 2018.
Ở mức độ vi mô, thực trạng chuyển đổi số của DN tương thích với đánh giá vĩ mô của báo cáo. Theo đó, tiến trình chuyển đổi số của DN cũng rất khiêm tốn, ở mức mới khởi động, trong khi các nước phát triển tiên tiến hơn thì đã phát triển vượt bậc.
Nhiều rào cản
Dẫn kết quả khảo sát của cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2022, ông Việt cho biết có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát nói rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ. Đây cũng là rào cản lớn nhất làm chậm lại quá trình chuyển đổi số của các DN.
Năm 2021, Ngân hàng Thế giới đã sử dụng khung đánh giá CHIP với 4 trụ cột là kết nối, làm chủ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ để đánh giá về hiện trạng chuyển đổi số của Việt Nam. Việt Nam có thứ hạng khá tốt ở trụ cột thứ nhất, là kết nối bởi chi phí cho việc tiếp cận công cụ số hay internet ở mức độ thấp, hầu hết người dân đều được tiếp cận với nền tảng số. Tuy nhiên, tốc độ đường truyền vẫn còn yếu hơn so với các nước phát triển hơn và cả những nước tương đương.
Cũng theo báo cáo này, Việt Nam có thứ hạng tương đối tốt so với nhóm các nước tương đương, thậm chí có thể sánh ngang với cả nhóm nước phát triển hơn ở một số khía cạnh, nhưng cũng có nhiều điểm yếu đáng kể, đặc biệt trong vấn đề thể chế. Luật Giao dịch điện tử vẫn chưa được sửa đổi cho phù hợp.
Việc xây dựng khung pháp lý (gồm cả sandbox) cho các hoạt động kinh doanh số, tài sản số, quy định về quản lý dữ liệu và chia sẻ thông tin, dữ liệu vẫn còn chậm trễ. Ngoài ra, cần chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ở cả cấp quốc gia, quy định về dịch vụ đám mây cũng như quy định, chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính, trong đó có tài chính số...
Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cần hoàn thiện thể chế và khung pháp lý về chuyển đổi số. Đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó cần kết hợp công - tư. Tăng cường giáo dục và đào tạo công nghệ thông tin ở tất cả các cấp học.
Hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số về vốn, thông tin, đào tạo... Có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số. Xác định mức độ ưu tiên của các chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các DN thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo