Thừa Thiên Huế: Gần 3.600 chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng nhân lực CNTT
Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Trong kỷ nguyên số, học sinh cần thành thạo tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh và ngôn ngữ CNTT / Thừa Thiên Huế: Người dân sẽ được tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh (HUECIT), VNPT Thừa Thiên Huế và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tổ chức “Ngày hội tuyển sinh, tuyển dụng và Sàn Giao dịch việc làm nhân lực công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020”.
Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình trò chuyện với các sinh viên, học viên, người lao động tại “Ngày hội tuyển sinh, tuyển dụng và Sàn Giao dịch việc làm nhân lực CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020”.
Theo Ban Tổ chức, Ngày hội đã thu hút sự tham gia trực tiếp của 27 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hàng trăm người lao động và học sinh, sinh viên quan tâm tìm kiếm cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Dịp này, có 45 cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện tuyển sinh, tuyển dụng trực tuyến nhân lực CNTT với gần 3.600 chỉ tiêu với trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, công nhân kỹ thuật và nhiều vị trí lao động hấp dẫn trên các lĩnh vực, ngành nghề.
Phát biểu tại Ngày hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho rằng, đây là chương trình hoạt động có ý nghĩa thiết thực, không chỉ tạo cơ hội giới thiệu việc làm, định hướng đúng đắn nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực CNTT làm việc tại Huế trong giai đoạn hiện nay, phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.000 lao động CNTT phục vụ phát triển công nghiệp phần mềm.
Ông Bình yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh và chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị mất việc làm, thất nghiệp, bằng cách giúp họ học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp nếu có nhu cầu; cung cấp thông tin các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động theo lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với tay nghề, để người lao động tìm được việc làm mới.
“Bên cạnh đó, Sở cũng cần tăng cường hoạt động tư vấn giới thiệu nghề, đào tạo lại nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; kết nối với doanh nghiệp tuyển dụng để người lao động tìm việc theo năng lực và nhu cầu tuyển dụng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Ban Tổ chức trao 12 suất học bổng cho các sinh viên, học viên nghèo vượt khó đang học ngành CNTT tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Hữu Phúc, thông qua Ngày hội sẽ giúp sinh viên, học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, được tiếp cận với môi trường chuyên nghiệp, hiểu hơn những yêu cầu về trình độ, kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng tốt yêu cầu làm việc trong tương lai, nhất là trong lĩnh vực CNTT.
“Đây còn là cơ hội để các em đã và sắp tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo, làm quen dần với thị trường tuyển dụng lao động. Đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp quảng bá, tiếp cận trực tiếp với sinh viên, học sinh và người lao động, tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng, phù hợp với nhu cầu phát triển của đơn vị”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng.
Tại chương trình, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 4/10 làm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, từ nguồn hỗ trợ của Công ty TNHH Day Star và Trung tâm Đào tạo Tâm An, Ban Tổ chức đã trao 12 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho các sinh viên, học viên nghèo vượt khó đang học ngành công nghệ thông tin tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo