Chuyển đổi số

Thừa Thiên Huế: Nhiều giải pháp công nghệ hay trong phòng chống dịch COVID-19

DNVN – Theo ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông), Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai các ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch COVID-19. Một số chức năng, ứng dụng như báo cáo số, triển khai giải pháp QR cho toàn dân là những giải pháp hay, cần được nhân rộng.

Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Chuyển đổi số phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức của người đứng đầu / Thừa Thiên Huế: Đưa vào hoạt động “bộ não” chỉ huy, điều hành của tỉnh

Ngày 24/9, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng tại địa phương triển khai các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19.

triển khai mã QR quốc gia qua hình thức “Thẻ kiểm soát dịch bệnh”.

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai cấp mã QR quốc gia cho mọi người dân thông qua ứng dụng “Thẻ kiểm soát dịch bệnh”.

Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Sơn cho biết, hiện nay việc áp dụng công nghệ, các chức năng, dịch vụ của tỉnh được cung cấp chủ yếu trên nền tảng ứng dụng di động Hue-S và cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh tại địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn.

Các ứng dụng này phục vụ người dân thực hiện các nhu cầu như khai báo y tế, khai báo vào tỉnh, khai báo dành cho phương tiện vận tải vào giao nhận hàng; đăng ký chương trình đón công dân từ TP Hồ Chí Minh về Huế, đăng ký cách ly có thu phí; tư vấn khám chữa bệnh qua hình thức trực tuyến, báo cáo số công tác phòng chống dịch bệnh…

Các chức năng cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho người dân phục vụ công tác chống dịch như thông tin cảnh báo, văn bản chỉ đạo, cung cấp tin tức địa phương, tin tức quốc gia, diễn biến dịch trên phạm vi cả nước, tích hợp trang cảnh báo tin giả của Bộ TT&TT. Đặc biệt là chức năng “xác minh thông tin” hỗ trợ người dân xác thực các thông tin chưa được kiểm chứng trên môi trường mạng.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai giải pháp QR điểm đến trên ứng dụng Hue-S. Mỗi một địa điểm kinh doanh, địa điểm công cộng, cơ quan, đơn vị… trên địa bàn tỉnh đều chủ động tạo mã QR cho riêng mình. Người dùng Hue-S thực hiện quét Mã QR điểm đến để lưu lại lịch trình di chuyển phục vụ công tác truy vết khi xảy ra dịch bệnh.

 

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua, tỉnh xác định công nghệ là một trong những công cụ đắc lực phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, từng bước hoàn thiện và đưa vào hoạt động thí điểm các hệ thống thông tin, các ứng dụng, giải pháp nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh. Sau 4 đợt dịch bùng phát trên cả nước, công tác ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch đã chứng minh vai trò và hiệu quả cho đến thời điểm hiện nay.

“Mong Bộ TT&TT tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cũng như tư vấn cho tỉnh những giải pháp tối ưu trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp. Làm sao phải quản lý thật chặt cơ sở dữ liệu, các thông số liên quan đến quản lý phương tiện, con người, thông tin dịch tễ. Liên thông dữ liệu quốc gia để địa phương đẩy mạnh năng lực quản lý cho cơ sở, đưa quản lý dữ liệu đi đến thôn bản, xã phường”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT), đại diện Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, đánh giá cao những kết quả Thừa Thiên Huế đạt được, là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai các ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, một số chức năng, ứng dụng như báo cáo số, triển khai giải pháp QR cho mọi người dân là những giải pháp hay cần được nhân rộng trong toàn quốc.

“Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh về mặt kỹ thuật, giải pháp để nâng cao tính hiệu quả các mô hình, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác. Bên cạnh đó, sẽ khẩn trương triển khai áp dụng đồng bộ các nền tảng, giải pháp công nghệ phục vụ đắc lực cho phòng chống dịch, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng số để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu kết nối và xử lý dữ liệu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các địa phương”, ông Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.

 


Văn Nhân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm