Hỗ trợ doanh nghiệp

2 năm triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV: Chính sách chưa đủ hấp dẫn

DNVN - Mặc dù Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định tương đối toàn diện các chính sách hỗ trợ DNNVV từ hỗ trợ cơ bản tới hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, trên thực tế, các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi lên doanh nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DNNVV / 5.000 tỷ đồng hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo

Đây chỉ là một trong nhiều nội dung được đề cập trong dự thảo Báo cáo 2 năm triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Dự thảo báo cáo nêu rõ tình hình hướng dẫn thi hành, phổ biến Luật Hỗ trợ DNNVV; tình hình triển khai các nội dung hỗ trợ cụ thể; đồng thời đưa ra đề xuất, kiến nghị và giải pháp
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2017 là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về ưu tiên phát triển DNNVV, doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.
Tác động tích cực từ Luật Hỗ trợ DNNVV
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, sau khi Luật được ban hành và có hiệu lực từ năm 1/1/2018, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện Luật, kịp thời hỗ trợ cho các DNNVV. Sau 02 năm triển khai, một số nội dung của Luật đã đạt được những kết quả nhất định và có tác động tích cực đến sự phát triển DNNVV.
Trong 02 năm triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đều tăng qua các năm. Trong năm 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao nhất so với các năm trước, cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.730.173 tỷ đồng, tăng 5,2% về số doanh nghiệp và tăng 17,1% về số vốn đăng ký so với năm 2018. Những kết quả này nhờ một phần do tác động tích cực từ Luật Hỗ trợ DNNVV, góp phần nâng cao niềm tin, lạc quan vào môi trường sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cả nước có một triệu doanh nghiệp hoạt động.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, nhiều địa phương đã rất khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hoặc đề án hỗ trợ DNNVV như Quảng Trị, Đắk Lắk, An Giang, Hà Nội, Sóc Trăng, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Hà Tĩnh, v.v. Tính đến hết năm 2019, đã có 50/63 địa phương đã xây dựng và ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn. Trong đó một số địa phương đã rất quyết liệt trong công tác hỗ trợ DNNVV, bố trí kinh phí của địa phương để triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV như Bắc Giang, Hà Tĩnh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Tháp…ngay trong năm 2018.
Một số tỉnh/thành phố đã rất chủ động và sáng tạo ban hành các chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển DNNVV trên địa bàn, ví dụ như: Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn về phí công bố thông tin doanh nghiệp lần đầu, phí làm dấu; thực hiện tư vấn miễn phí 01 năm về thủ tục quyết toán thuế cho DN. Tỉnh Long An thực hiện hỗ trợ DN khởi nghiệp các thủ tục hành chính thuế khi mới thành lập và DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh được thuận lợi, nhanh chóng; thành lập 16 điểm hỗ trợ DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin và hỗ trợ miễn phí cho DN về các vấn đề liên quan đến thuế. Các tỉnh Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế … ban hành chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DNNVV hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, về cơ bản việc triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV sau 02 năm có hiệu lực là khá tích cực, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm và sự chủ động của các Bộ, ngành, địa phương về sự cần thiết và quan trọng của công tác hỗ trợ DNNVV. Bên cạnh đó, đây là Luật đầu tiên về hỗ trợ DNNVV nên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống để có thể triển khai đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả các nội dung hỗ trợ.
Một số chính sách chưa đủ hấp dẫn
Tuy nhiên, dự thảo báo cáo nêu rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Hỗ trợ DNNVV cũng đã bộc lộ một số tồn tại và khó khăn chủ yếu.
Cụ thể, một số chính sách hỗ trợ DNNVV chưa triển khai được trên thực tế do quy định pháp lý chưa hoàn thiện.
Theo đó, các chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế cho nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, v.v đã được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV nhưng chưa thể áp dụng ngay trên thực tế vì cần phải được quy định hướng dẫn cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan hoặc tại văn bản hướng dẫn chi tiết

Ảnh minh họa.
Về chính sách cấp bù lãi suất: Theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ có thẩm quyền ban hành chính sách cấp bù lãi suất cho các khoản vay của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tuy nhiên, Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV không quy định nội dung chính sách cấp bù lãi suất hỗ trợ DNNVV (đối tượng, mức cấp bù, phương thức bù, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp bù,…) nên Bộ Tài chính không có cơ sở để hướng dẫn chính sách cấp bù lãi suất. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất sửa đổi, thay thế Nghị định 39/2018/NĐ-CP trong năm 2020 để bảo đảm triển khai các ưu đãi về cấp bù lãi suất.
Chính sách hỗ trợ cho DN siêu nhỏ được áp dụng thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được cụ thể hóa và chưa có hiệu lực triển khai trên thực tế.
Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.
Cũng theo dự thảo báo cáo, một số chính sách chưa đủ hấp dẫn, nguồn lực hỗ trợ chưa đủ để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Mặc dù Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định tương đối toàn diện các chính sách hỗ trợ DNNVV từ hỗ trợ cơ bản tới hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, trên thực tế, các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi lên doanh nghiệp. Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp mà không thay đổi nhiều về quy mô, chỉ là hình thức tổ chức (số lượng hơn là chất lượng) dẫn đến việc các hộ không muốn chuyển đổi.
Trong khi đó, theo phản ánh của địa phương và báo cáo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á, rào cản lớn nhất hiện nay khiến hộ kinh doanh không muốn chuyển sang doanh nghiệp là do chính sách thuế và chế độ thuế, kế toán, thanh kiểm tra, v.v. Do đó, cần khẩn trương cụ thể hóa các chính sách này để tạo động lực thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Trong khi đó, nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến các địa phương chưa chủ động bố trí được kinh phí hỗ trợ theo quy định. Đa số các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hoặc đề án hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Luật nhưng chưa bố trí được kinh phí triển khai, trong khi nguồn lực trung ương cũng chưa chủ động được để tập trung vào triển khai một số chính sách trọng tâm.
Theo dự thảo báo cáo, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DNNVV
Mặc dù Chính phủ đã ban hành các nghị định hướng dẫn triển khai Luật và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018, Bộ KHĐT cũng đã có công văn hướng dẫn nhưng đa số các Bộ, ngành và địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng các đề án, chương trình hỗ trợ DNNVV. Nhiều địa phương tuy đã ban hành kế hoạch, chương trình hoặc đề án hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Luật nhưng hầu hết sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2020. Do đó, trong năm 2018-2019 mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, phổ biến hoặc xây dựng các văn bản chỉ đạo, điều hành, nghị quyết, đề án, chương trình liên quan đến việc triển khai Luật.
Do mới bắt đầu triển khai các hoạt động hỗ trợ nên một số địa phương vẫn còn lúng túng về quy trình, thủ tục xét chọn, tuyển chọn, thẩm định kinh phí từ ngân sách nhà nước. Một số phản ánh từ doanh nghiệp là việc tiếp cận hỗ trợ từ nhà nước còn khá rườm rà, nhiều thủ tục, gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp khi tham gia các Chương trình, Đề án hỗ trợ của Nhà nước. Các DNNVV còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện các thủ tục theo quy trình của Nhà nước, đặc biệt cho vấn đề thanh quyết toán.
Các DNNVV vẫn khó tiếp cận với các thông tin về các chính sách hỗ trợ vì hiện nay các chương trình hỗ trợ vẫn đang nằm tản mạn ở các cơ quan, bộ ngành, địa phương. Doanh nghiệp chưa nhận thấy có một đầu mối thống nhất để tổng hợp cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ cho DNNVV . Trong khi đó việc xây dựng Cổng thông tin quốc gia về hỗ trợ DNNVV chưa được thực hiện.
Việc theo dõi đánh giá tình hình phát triển DNNVV đang gặp khó khăn do cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp và số lao động tham gia bảo hiểm xã hội chưa được quản lý thống nhất.
Như vậy, việc có số liệu để đánh giá tổng thể tình hình phát triển của toàn bộ khu vực DNNVV theo tiêu chí quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV (ví dụ như có bao nhiêu DN là DNNVV, phân theo các quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa...và các chỉ tiêu khác về doanh thu, lãi/lỗ, nộp ngân sách...) ở thời điểm hiện tại là không thể thực hiện được.
Hạn chế từ bản thân các DNNVV: Các DNNVV Việt Nam gặp nhiều hạn chế như quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản đảm bảo; DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với các Hiệp hội, tổ chức hỗ trợ, cơ quan quản lý nhà nước... dẫn đến việc triển khai các hỗ trợ của Luật gặp nhiều khó khăn.

Kiến nghị
Để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại và đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương trong năm 2020 cần tập trung thực hiện những giải pháp.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị cần chủ động phổ biến, hướng dẫn các nội dung của Luật để sớm đưa các chính sách hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống. Ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các nội dung, chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Chương trình hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025” và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí ngân sách để triển khai.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch & Đầu tư yêu cầu tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về chính sách hỗ trợ DNNVV.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm