Các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan trong RCEP
DNVN - Hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước đối tác hay nhập khẩu từ các đối tác về Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế quan RCEP đều sử dụng chung một biểu quy tắc xuất xứ. Và để được hưởng ưu đãi thuế quan theo RCEP, hàng hóa xuất nhập khẩu trong khu vực RCEP được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng được 1 trong 3 tiêu chí.
Bộ công cụ “brand purpose” giúp thương hiệu phát triển và tăng lợi nhuận / Nghệ An: Gỡ khó giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19
Các quy tắc về xuất xứ được quy định ở đâu trong RCEP?
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên, trong đó có 10 nước ASEAN và 5 đối tác lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm 55% tổng thương mại của Việt Nam năm 2020.
Dự kiến có hiệu lực đầu năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng trở thành xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Theo Cẩm nang doanh nghiệp "Tóm lược Hiệp định RCEP" do Trung tâm WTO và Hội nhập Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam biên soạn mới đây, trong các FTA, quy tắc xuất xứ (QTXX) của hàng hóa là điều kiện để xác định hàng hóa đó có thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA đó hay không. Ưu đãi thuế quan của FTA sẽ chỉ dành cho hàng hoá có “xuất xứ” trong khu vực FTA mà không dành cho hàng hoá xuất xứ từ một bên thứ ba ngoài khu vực FTA đó.
Để được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP, hàng hóa của DN phải đáp ứng đầy đủ QTXX của hiệp định.
Mỗi FTA có bộ QTXX riêng, hàng hóa đáp ứng được các QTXX đó được xem là “hàng hóa có xuất xứ”, và khi xuất khẩu vào thị trường nước thành viên FTA có thể được xem xét áp dụng mức thuế quan ưu đãi của FTA đó.
Đối với RCEP, khác với biểu cam kết thuế quan, các QTXX và biểu QTXX cụ thể mặt hàng trong RCEP được quy định chung, áp dụng thống nhất với tất cả các nước thành viên. Nói cách khác, hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước đối tác hay nhập khẩu từ các đối tác về Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế quan RCEP đều sử dụng chung một biểu quy tắc xuất xứ này. Tuy nhiên, thủ tục xin chứng nhận xuất xứ thì có thể khác nhau giữa các nước RCEP, chỉ giống nhau ở các nguyên tắc chung.
Để được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP thì hàng hoá của doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ QTXX của Hiệp định, và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá hợp lệ. Việc đáp ứng QTXX này cần được thực hiện ngay từ khâu đầu vào của sản xuất. Vì vậy doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ về các quy định về QTXX và thủ tục xuất xứ RCEP để có sự chuẩn bị phù hợp khi muốn hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này.
Đáp ứng các tiêu chí xuất xứ nào để được hưởng ưu đãi thuế quan
Tương tự như Hiệp định ATIGA cũng như các FTA ASEAN+, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo RCEP, hàng hóa xuất nhập khẩu trong khu vực RCEP được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng được một trong 3 tiêu chí sau:
Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên Hiệp định.
Hàng hoá có “xuất xứ thuần tuý” là hàng hoá được sinh ra, nuôi trồng, thu hoạch.... toàn bộ tại một nước thành viên (xem thêm câu 18).
Hàng hoá được sản xuất toàn bộ từ các nguyên liệu có xuất xứ thuần tuý tại một nước thành viên thì được coi là “sản xuất toàn bộ” tại nước thành viên đó.
Tiêu chí “xuất xứ thuần túy” hoặc “sản xuất toàn bộ” này thường được gọi chung là “xuất xứ thuần túy”, viết tắt là WO (Wholly-Obtained).
Hàng hóa được sản xuất tại một nước thành viên Hiệp định chỉ sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước thành viên Hiệp định.
Hàng hóa được sản xuất tại một nước thành viên Hiệp định sử dụng một phần nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ quy định tại Danh mục Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng.
Ngoài ra, để được coi là có xuất xứ thì hàng hóa cần phải đáp ứng thêm các quy định khác về xuất xứ của RCEP như công đoạn gia công, chế biến đơn giản, nguyên liệu đóng gói và bao bì, phụ kiện, phụ tùng, vận chuyển trực tiếp...
Riêng đối với một số sản phẩm thuộc diện áp dụng ưu đãi thuế quan khác biệt nằm trong danh mục cần đáp ứng “QTXX bổ sung” thì ngoài việc phải đáp ứng QTXX quy định tại PSR cần thỏa mãn thêm điều kiện về QTXX bổ sung đó.
Lưu ý về tiêu chí xuất xứ thuần túy
Về cơ bản, tiêu chí xuất xứ thuần túy (WO) trong RCEP giống với tiêu chí WO trong Hiệp định ATIGA và các Hiệp định ASEAN+ (ngoại trừ Hiệp định AKFTA). Theo đó, một hàng hoá được coi là có xuất xứ thuần túy khi:
Là thực vật được trồng và thu hoạch, là động vật sống khi được sinh ra và nuôi dưỡng, là sản phẩm động vật khi được nuôi dưỡng, là các sản phẩm thu được từ săn bắn, hái lượm, đánh bắt, khai thác, chế biến trên tàu, sản phẩm là phế thải, phế liệu từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng.... tại một nước thành viên, hoặc là sản phẩm được sản xuất toàn bộ từ các sản phẩm nêu trên tại một nước thành viên.
Tiêu chí WO này thường được gọi là WO - một bên. Trong khi đó, một số ít FTA khác của Việt Nam như AKFTA hay CPTPP có quy định mở rộng về tiêu chí WO khi cho phép sử dụng nguyên liệu có xuất xứ thuần túy từ các nước thành viên khác của Hiệp định để sản xuất ra hàng hóa có xuất xứ thuần túy (tiêu chí WO này thường được gọi là WO-FTA).
Đại diện nhóm biên soạn cho biết, doanh nghiệp cần lưu ý, tiêu chí xuất xứ thuần tuý (WO) là tiêu chí chặt nhất, khó nhất trong các loại tiêu chí xuất xứ. Do đó, với các sản phẩm có tiêu chí này các doanh nghiệp cần chú ý bảo đảm tuân thủ đầy đủ mới có thể được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP.
Ngoài ra, một lưu ý quan trọng về tiêu chí WO trong RCEP các DN cũng cần lưu ý là đối với hàng hoá là cây trồng và sản phẩm từ cây trồng, tiêu chí WO của RCEP không yêu cầu hạt giống phải có xuất xứ tại nước xuất khẩu, mà chỉ cần được trồng và thu hoạch tại nước xuất khẩu.
Tuy nhiên, đối với các hàng hoá là động vật sống thì con giống phải có xuất xứ tại nước xuất khẩu.
Ngoài ra, theo đại diện nhóm biên soạn, doanh nghiệp cần lưu ý tiêu chí xuất xứ WO trong RCEP là WO - một bên, nên trong trường hợp sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu có xuất xứ thuần tuý nhưng “thuần tuý” từ bất kỳ một nước thành viên nào khác mà không phải nước xuất khẩu thì cũng không được coi là xuất xứ thuần tuý theo RCEP.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo