Cộng đồng DN Nhật Bản kiến nghị 5 vấn đề tác động lớn đến môi trường đầu tư ở Việt Nam
DNVN -Các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam đề xuất 5 nội dung mà theo họ có tác động rất lớn đến quả của môi trường đầu tư ở Việt Nam. Đó là bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển nguồn nhân lực và ổn định môi trường pháp lý - các biện pháp khuyến khích đầu tư.
Quảng Bình: Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp logistics / Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2020
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững" diễn ra mới đây, ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc ưu tiên một số chương trình nghị sự để Việt Nam, một đất nước có tiềm năng phát triển, có thể tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư một cách toàn diện nhất.
Theo đó, ông Nobufumi Miura đề xuất 5 nội dung, gồm “Bảo vệ môi trường”, “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP)", “Xây dựng Chuỗi giá trị toàn cầu”, “Phát triển nguồn nhân lực” và “Ổn định môi trường pháp lý và Các biện pháp khuyến khích đầu tư”.
Theo Chủ tịch JCCI, đây đều là các nội dung có tác động rất lớn đến kết quả của môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Bảo vệ môi trường
Tháng 9 năm 2019, thành phố Hà Nội có “Chỉ số chất lượng không khí” (AQI) ở mức nguy hại nhất, theo sau là thành phố Hồ Chí Minh ở mức cao thứ ba. Ngày càng có nhiều lo ngại về vấn đề ô nhiễm không khí ở cả khu vực nông thôn và thành thị của Việt Nam, là kết quả của việc quá ưu tiên chú trọng phát triển kinh tế mà không quan tâm xem xét các biện pháp đối phó chống lại các tác động đến môi trường.
Theo ước tính, khoảng 5% GDP sẽ bị mất do ô nhiễm không khí, hậu quả của giá trị đầu tư suy giảm từ các công ty nước ngoài. Trong bối cảnh này, cần thúc đẩy và thực thi các tiêu chuẩn luật pháp và quy định nhằm góp phần cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong các không gian kín, nơi mọi người dành hầu hết thời gian trong ngày để sinh sống và làm việc nhằm giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe.
Ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên đầu tháng 01/2020.
Theo đó, Chủ tịch JCCI cho rằng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản vì họ cũng từng trải qua tình cảnh tương tự, điển hình là tình trạng "Các đảo bị ô nhiễm" vào những năm 1970. Bằng cách tham khảo kinh nghiệm về các quốc gia đã thành công trong quá trình công nghiệp hóa mà không gây hại tới môi trường, đồng thời thông qua hiểu biết và hỗ trợ từ các công ty nước ngoài, Việt Nam có thể có được sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và trở thành một hình mẫu cho các nền kinh tế mới nổi khác.
"Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam đặt ra những quy định rõ ràng và được chuẩn hóa, ví dụ như "ưu tiên sức khỏe hơn phát triển công nghiệp". Ngoài ra, các công ty của Nhật Bản sẵn sàng sử dụng những kinh nghiệm trong quá khứ để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam cũng như các bí quyết để cải thiện môi trường. Với sự giúp đỡ của các công ty Nhật Bản, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ có một chiến lược tăng trưởng hợp lý", ông Nobufumi Miura đề xuất.
Thúc đẩy PPP
Ông Nobufumi Miura cho biết, hiện nay, tình trạng thiếu hụt điện, đường, sân bay và bệnh viện cũng đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam. Chúng tôi tin rằng việc tích cực triển khai các cơ chế PPP sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết rốt ráo các vấn đề này. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thiết lập cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân để đảm bảo không xảy ra những rủi ro không đáng có.
Do đó, người đứng đầu JCCI bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ thông qua "Luật Điều chỉnh", "Bảo lãnh Chính phủ", “Góp vốn nhà nước” và “Thanh toán khi chấm dứt dự án” vì ông cho rằng việc thúc đẩy PPP sẽ giúp cải thiện đáng kể môi trường đầu tư.
Xây dựng Chuỗi giá trị toàn cầu
Theo Chủ tịch Nobufumi Miura, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu là vấn đề rất quan trọng để thúc đẩy và phát triển vị trí của các doanh nghiệp Việt Nam trong Chuỗi giá trị toàn cầu. Việc làm này sẽ giúp tăng cường thu hút các cơ sở sản xuất ở nước ngoài và tạo nên những bước phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất.
Đối với các công ty nước ngoài có cơ sở sản xuất tại Việt Nam, việc thúc đẩy các công ty Việt Nam tham gia Chuỗi giá trị toàn cầu dự kiến sẽ giúp giảm bớt chi phí sản xuất. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ mua sắm trong nước lên 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Do đó, sự tham gia của các công ty Việt Nam vào Chuỗi giá trị toàn cầu sẽ tăng cường sự hợp tác giữa các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài.
"Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét các biện pháp, ví dụ như áp dụng các biện pháp khuyến khích đầu tư cho các công ty nước ngoài nếu các công ty này có tỷ lệ mua sắm trong nước cao và đơn giản hóa các quy trình như quy trình trợ cấp để phát triển nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ như đã được quy định trong Nghị định số 39/2018/ND-CP", ông Nobufumi Miura đề xuất.
Phát triển nguồn nhân lực
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt các kỹ sư do sự thâm nhập của các công ty nước ngoài và số lượng ngày càng tăng của các công ty trong lĩnh vực sản xuất. Do đó cần thiết phải phát triển đội ngũ kỹ sư có trình độ ở Việt Nam. Có rất nhiều người Việt Nam hiện đang làm việc với vai trò thực tập sinh kỹ thuật hoặc chuyên viên kỹ thuật cao tại Nhật Bản.
"Chúng tôi mong muốn Việt Nam có thể tạo môi trường làm việc thích hợp để những lao động có kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản này có thể truyền đạt kỹ năng của họ cho các kỹ sư khác tại Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét cung cấp cho người lao động mô tả đầy đủ về điều kiện làm việc, giới thiệu công việc phù hợp với chuyên môn, thu phí một cách hợp lý và nộp các loại văn bằng chứng chỉ một cách thích hợp. Chúng tôi tin rằng một hệ thống lao động an toàn hơn ở Việt Nam và hệ thống làm việc an toàn ở nước ngoài sẽ giúp cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam", ông Nobufumi Miura chia sẻ.
Ổn định môi trường pháp lý và các biện pháp khuyến khích đầu tư
Ông Nobufumi Miura cho biết, vẫn có những trường hợp mà trong đó lợi ích hợp lý của các công ty và nhà đầu tư nước ngoài không được bảo vệ trong quá trình áp dụng các quy định pháp lý. Có những rủi ro kinh doanh mà các công ty nước ngoài không thể bỏ qua và có thể là lý do khiến họ ngần ngại đầu tư thêm. Nếu các biện pháp khuyến khích đầu tư mà chính phủ đưa ra sau đó lại bị các cơ quan thuế bác bỏ hồi tố và các điều khoản xác nhận những bác bỏ hồi tố này liên tục được đưa vào dự thảo luật đầu tư thì các biện pháp khuyến khích đầu tư sẽ không còn hiệu quả trong việc thúc đẩy và thu hút đầu tư.
Ngoài ra, không thể lắp đặt hàng rào và máy quay trước khi công ty được thành lập, và việc ban hành Nghị định 82 về các điều khoản đã tồn tại trong quá khứ có thể gây tác động mạnh và đột ngột đến quy định trước đó. Đồng thời, không thể xin cấp giấy phép Doanh nghiệp chế xuất (EPE) trước khi công ty được thành lập. Tất cả đều là các hệ quả từ môi trường pháp lý thiếu ổn định của Chính phủ.
"Chúng tôi xin được đề nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng hệ thống tra vấn trước để các công ty có thể liên hệ với Chính phủ, bao gồm cả cơ quan thuế, để được giải đáp thắc mắc về ưu đãi, cấp giấy phép Doanh nghiệp chế xuất (EPE) từ thời điểm thành lập công ty và xác nhận sự tuân thủ Nghị định 82 bằng cách áp dụng cơ chế sau kiểm toán để tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam", Chủ tịch JCCI kiến nghị.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo