Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp xã hội trước nguy cơ bị Covid-19 cuốn trôi

DNVN - Các doanh nghiệp xã hội (DNXH) đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa hoặc chí ít thì phải mất rất lâu nữa mới có thể phục hồi hoạt động do phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước và cộng đồng thì nỗ lực của rất nhiều DNXH sẽ bị đại dịch cuốn trôi...

Đề xuất gỡ vướng thủ tục nộp C/O cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid / "Mục tiêu có 1 triệu DN vào 2020 là khó, và có thể nói là không đạt được"

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 không chỉ dừng lại ở tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xã hội (DNXH) và doanh nghiệp tạo tác động xã hội (DNTTĐXH), mà còn còn gây ra những hậu quả tiêu cực như mất việc làm, giảm thu nhập, không được tiếp cận được các dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế cơ bản của hàng triệu người khuyết tật, người nghèo đô thị, nông hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số hay phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt.
Các DNXH vốn đã rất khó khăn mới có thể tìm chỗ đứng trên thị trường, sẽ đứng trước nguy cơ bị đóng cửa hoặc chí ít thì phải mất rất lâu nữa mới có thể phục hồi lại hoạt động. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ nhà nước và cộng đồng thì nỗ lực của rất nhiều tổ chức và DNXH sẽ bị đại dịch cuốn trôi, hoặc mất rất nhiều thời gian, công sức để khôi phục lại.
Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) - một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, tiên phong trong việc thúc đẩy DNXH và các sáng kiến xã hội tại Việt Nam và các nước trong khu vực, nhận thấy cần thu thập thông tin cụ thể về những ảnh hưởng của đại dịch tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNXH và DNTTĐXH, nhằm góp phần cung cấp thông tin vận động xây dựng và thực thi chính sách hỗ trợ của nhà nước, cũng như giúp CSIP xây dựng một kế hoạch hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo đó, CSIP đã tiến hành thực hiện Khảo sát “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp tạo tác động và đánh giá nhu cầu hỗ trợ” trong tháng 3 năm nay. Tổ chức này đã khảo sát trực tuyến nhanh trong tháng 3 năm 2020 trên 78 DNTTĐXH và một số cuộc trao đổi trực tuyến với các DNTTĐXH về tác động của đại dịch Covid-19 và những nội dung mà các DN mong muốn được hỗ trợ.
Đa số DNXH chịu tác động tiêu cực trong hoạt động bán hàng
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, 77% doanh nghiệp tạo tác động xã hội (DNTTĐXH) cho rằng Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc vô cùng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Trong đó, 10% cho rằng đang đứng trước nguy cơ phá sán, đóng cửa.
Đa số các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực trong hoạt động bán hàng, bao gồm: suy giảm doanh thu từ khách hàng hiện có (76,9%), và gặp khó khăn trong phát triển thị trường (59%). Điều này dẫn đến việc DN gặp khủng hoảng trong duy trì dòng vốn lưu động chi trả cho chi phí nhân sự, vận hành DN (41%) và chi phí thuê mặt bằng (37,2%). Ngoài ra, giãn cách xã hội khiến cho việc vận hành DN bị gián đoạn (38,5%) và thiếu hụt nhân sự (34,6%).
Đa phần doanh nghiệp đánh giá điểm cao cho những giải pháp liên quan đến thị trường và huy động nguồn lực – nhằm giải quyết những vấn đề khẩn cấp trước mắt. Ngoài ra, DN cũng có nhu cầu lớn trong việc rà soát các chiến lược kinh doanh trong giai đoạn hiện tại và tiến hành các hoạt động chuyển đổi số cả về vận hành và bán hàng.
Chia sẻ về những khó khăn do chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, một DN sản xuất cà phê cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và nghiêm trọng đã gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế và sự tồn tại của các DN khởi nghiệp non trẻ, cơ sở cũng nằm trong số các DN vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đặc thù sản phẩm chịu sự chi phối mạnh mẽ từ ngành dịch vụ ăn uống, giải trí và du lịch...
Đến thời điểm này đơn hàng xuất đi từ DN gần như đóng băng hoàn toàn cụ thể mặt hàng cà phê nhân xanh giao đến các doanh nghiệp rang xay và xuất khẩu bị dừng 100%, mặt hàng cà phê rang thành phẩm bị đóng băng 95% (từ 1000 kg/tháng xuống còn 50 kg/tháng), số lượng công nhân của DN bị cắt gảm từ 12 người xuống còn 2 người làm việc do nguồn vốn lưu động không đủ trang trải chi phí lương và vận hành trong khi khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng không có (không có tài sản thế chấp, và tài sản không đủ điều kiện thế chấp).

Ảnh minh họa.
"Với tình hình dịch bệnh nêu trên việc tìm kiếm và tiếp cận thị trường mới gặp rất nhiều khó khăn do sức tiêu thụ giảm mạnh và thông tin về thị trường mới rất khan hiếm, DN rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính nghiêm trọng có nguy cơ phá sản đóng cửa do nguồn tài chính bị đọng lại trong hàng hoá lưu kho", đại diện DN chia sẻ.
Khảo sát cũng đánh giá ảnh hưởng của Covid-19 đến việc các nhóm yếu thế là đối tác hoặc người sử dụng dịch vụ của các DNTTĐXH. Đó là hạn chế hoặc ngừng hoàn toàn thu mua nông sản từ các hộ nông dân nhỏ; Đe dọa đến việc làm của các nhóm yếu thế như người khuyết tật, phụ nữ yếu thế; Gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu cho các nhóm yếu thế; Sụt giảm doanh thu của các DN nông thôn, miền núi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình và cộng đồng.
Nhu cầu hỗ trợ của các DNTTĐXH
Các DN tham gia khảo sát được đề nghị đánh giá từ 1-5 điểm để xác định mức độ quan trọng của các nội dung hỗ trợ và hình thức hỗ trợ mà họ mong muốn. Đa phần DN đánh giá điểm cao cho những giải pháp liên quan đến thị trường và huy động nguồn lực – nhằm giải quyết những vấn đề khẩn cấp trước mắt. Ngoài ra, DN cũng có nhu cầu lớn trong việc rà soát các chiến lược kinh doanh trong giai đoạn hiện tại và tiến hành các hoạt động chuyển đổi số cả về vận hành và bán hàng.
Về hình thức hỗ trợ, các DN có mong muốn được trao đổi và đối thoại với các chuyên gia trong các lĩnh vực của họ. Ngoài ra, DN cũng ưu tiên các hình thức tư vấn, trao đổi trực tiếp nhằm giải quyết cụ thể các vấn đề của DN.
Bên cạnh các đề xuất hỗ trợ, thông qua bảng khảo sát, các DNTTĐXH cũng chủ động đưa ra những giải pháp và khuyến nghị cho các cơ quan nhà nước như: Miễn thuế, phí trong thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh đóng băng; Miễn đóng BHXH trong thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh đóng băng; Cho vay vốn lãi suất thấp; Kết nối với các nguồn tài chính để có chính sách vay vốn ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp; Giảm thuế GTGT xuống 5%.
Đồng thời, DN cũng chia sẻ những giải pháp tức thời sáng tạo nhằm ổn định trong quá trình khủng hoảng như: Truyền thông nội bộ - làm clip để lãnh đạo chia sẻ thông tin và động viên kịp thời công nhân tại nhà máy; Dừng hoạt động đầu tư dài hạn; hoãn giải ngân các khoản đầu tư ngắn hạn; Tối ưu hóa các tài sản, công cụ, nguyên vật liệu, giảm thiểu mua sắm mới; Tập trung khách hàng cũ, khách hàng tiềm năng; Tạo ra các sản phẩm phù hợp thị trường hơn; Tập trung đào tạo cho nhân viên...
Khảo sát được CSIP thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn, do đó mẫu các DNTTĐXH tham gia trả lời khảo sát là nhỏ (78) nên chưa đảm bảo tính đại diện cho cộng đồng các DNTTĐXH; Số lượng các DN tham gia khảo sát là không đồng đều giữa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Với những hạn chế trên, CSIP dự định sẽ phối hợp với một cơ quan chuyên ngành nghiên cứu để thực hiện một báo cáo đánh giá sâu nhằm đưa ra bằng chứng vận động chính sách hỗ trợ cho các DNTTĐXH.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm