Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long: Khẩn trương thu mua tạm trữ giúp nông dân tiêu thụ lúa

DNVN - Tại cuộc họp trực tuyến sáng ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, vụ hè thu đang thu hoạch rộ, sản lượng nhiều, trong khi do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, dễ dẫn đến tình trạng thương lái ép giá nông dân. Do vậy, Bộ đề xuất Chính phủ cho tăng thu mua tạm trữ.

Yêu cầu điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó / Kiến nghị "giải cứu" nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng thương mại điện tử

Lúa chín đầy đồng, thương lái không đến mua

Hiện, nông dân ở một số tỉnh miền Tây phản ánh rất nhiều về việc thương lái đến đặt tiền cọc để mua lúa nhưng đến ngày cắt lúa, một số lại ép giá từ 5.600 đồng/kg xuống còn 4.700 đồng/kg. Không những vậy, một số thương lái còn bỏ cả tiền đặt cọc.

Bà Bùi Thị Ngưng (ngụ xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đang phập phồng lo sợ vì lúa sắp đến ngày thu hoạch mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cả cánh đồng rộng lớn chỉ có 1 máy gặt đập liên hợp thu hoạch lần lượt cho từng nông dân. Giá lúa hiện còn 4.700 đồng/kg, giảm 900 đồng so với thời điểm trước dịch. Bà Ngưng lo lắng cho biết: “Lúa chín rục rồi, mà cứ phải neo chờ máy gặt đập liên hợp đến lượt, chờ thương lái mà không biết đến ngày có bị bỏ tiền cọc hay không”.

Nông dân phải tự thu hoạch lúa chất đống ngoài đồng chờ thương lái đên mua.

Nông dân phải tự thu hoạch lúa chất đống ngoài đồng và chờ thương lái đến mua.

Tại Long An, ngày 3/8 giá lúa nếp Long An ở mức 4.400 - 4.750 đồng/kg; giá lúa IR 50404; lúa OM 9582 ở mức 4.400 - 4.800 đồng/kg. Giá lúa Đài thơm 8 duy trì ở mức 5.600 - 5.800 đồng/kg.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Long An, đến nay, nông dân thu hoạch hơn 53.200 ha lúa hè thu, tập trung ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Năng suất lúa ước đạt 5,2 tấn/ha, tổng sản lượng 277.660 tấn, giá lúa dao động từ 5.300 - 5.800 đồng/kg. So với vụ hè thu năm 2020, giá lúa giảm từ 300 - 500 đồng/kg. Với mức giá lúa gạo như hiện nay, diện tích đã thu hoạch, nông dân có lãi ít, thậm chí không có lãi.

Qua khảo sát của Sở NN&PTNN tỉnh An Giang, giá lúa gạo ngày 3/8 vẫn ở mức thấp. Theo đó, giá nếp vỏ (tươi) 3 tháng ở mức 4.000 - 4.200 đồng/kg; nếp vỏ (tươi) 3,5 tháng ở mức 4.400 - 4.600 đồng/kg.

nhiều nông dân ở An Giang phải chất lúa thành đống ngoài ruộng, phơi đầy trong sân nhà để chờ thương lái đến mua.

Nhiều nông dân ở An Giang phải chất lúa thành đống ngoài ruộng, phơi đầy trong sân nhà để chờ thương lái.

Anh Nguyễn Văn Khỏe (ngụ TP Long Xuyên) hiện đang canh tác 30 công (1.000m2/ công) ruộng ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang than thở: “Năm nay lúa chín rục trên cây mà không có người mua, đến ngày thu hoạch không đến thua mua như giao hẹn, thậm chí bỏ luôn tiền cọc”.

Hiện nay, nhiều nông dân ở An Giang phải chất lúa thành đống ngoài ruộng, phơi đầy trong sân nhà, đã vậy còn phải lo lắng vì thương lái luôn lấy cớ giá lúa hạ, nhà máy không thu vì giãn cách, vận chuyển khó khăn do các chốt kiểm soát dựng lên dày đặc trong mùa dịch.

Theo một thương lái ở huyện Thoại Sơn cho biết: “Thương lái chúng tôi không ai muốn bỏ tiền cọc cả, nhưng vì giá lúa rớt nhanh quá, với lại nhà máy cũng đè giá chúng tôi. Thà chúng tôi bỏ tiền cọc chứ nếu lấy lúa theo giá cọc thì chúng tôi sẽ lỗ nặng. Nếu biết trước được giá lúa sẽ giảm như thế này thì chúng tôi cũng không dám đặt cọc đậm cho nông dân”.

Còn theo một lãnh đạo của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, từ khi thành lập đường dây nóng, những ngày qua có rất nhiều nông dân đã điện thoại vào phản ánh vấn đề khó khăn trong việc thu mua nông sản trên địa bàn. Nhất là hiện nay đang trong mùa thu hoạch lúa, nhiều nông dân phản ánh về chuyện bị thương lái ép giá, bỏ cọc. Hiện Sở đã nắm được vấn đề này và báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh này để có hướng tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân.

Thu mua tạm trữ, giúp dân tiêu thụ lúa

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam - Tổ trưởng tổ công tác của Bộ ở phía Nam, vụ hè thu đang thu hoạch rộ, sản lượng nhiều, trong khi do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhân công để thu hoạch bị hạn chế, dễ dẫn đến tình trạng thương lái ép giá nông dân. Hiện, giá lúa hè thu cũng đang giảm, do đó, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ cho tăng thu mua tạm trữ lúa quốc gia để kích cầu sản xuất, động viên nông dân.

Thứ trưởng Nam cho biết, trong khi đang thu hoạch rộ vụ hè thu, một số nơi đã bắt đầu gieo sạ vụ thu đông nhưng do giá lúa giảm, thu hoạch, chế biến khó khăn nên một số nông dân đang lưỡng lự sản xuất vụ này.

"Lượng lúa hè thu đang rất nhiều, nếu không có chính sách kịp thời nhiều đối tượng sẽ trục lợi, nông dân là đối tượng thiệt thòi. Do vậy, Tổ công tác đề xuất Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ có chính sách tăng thu mua tạm trữ lúa hè thu. Khi đó, thị trường sẽ được kích cầu, giá lúa cải thiện, nông dân có động lực làm vụ lúa thu đông", Thứ trưởng Nam nói.

Còn theo Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện nay xuất khẩu gạo đang khó khăn do dịch COVID-19, bên cạnh đó chi phí vật tư đầu vào, vận chuyển, nhân lực đang gặp không ít khó khăn nhưng với tinh thần “xanh nhà hơn già đồng”, trên tinh thần tương trợ, lực lượng vũ trang sẽ hỗ trợ nông dân thu hoạch vụ hè thu an toàn.

Hiện, nguồn cung lúa gạo đang rất dồi dào, đặc biệt là sản lượng vụ hè thu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, do đó, cần thiết phải thu mua tạm trữ lúa hè thu để kích cầu sản xuất vụ thu đông, vụ đông xuân để bảo đảm tăng trưởng ngành. Vụ hè thu năm nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống hơn 1,5 triệu ha, năng suất ước đạt hơn 5,6 tấn/ha, tăng 1,15 tạ/ha; sản lượng ước đạt gần 8,6 triệu tấn, tăng 124 nghìn tấn.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm