Khuyến nghị giúp doanh nghiệp hóa giải thách thức và hưởng lợi từ EVFTA
DNVN - Việc Việt Nam ký EVFTA là cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít rào cản đòi hỏi Nhà nước phải thay đổi chính sách, cộng đồng DN Việt Nam phải có biện pháp thích ứng, qua đó mới hóa giải được những thách thức và hưởng lợi từ cơ hội do hiệp định này mang lại.
Doanh nghiệp tìm hiểu về EVFTA: Những website hữu ích / Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến EVFTA
Thuận lợi và rào cản đan xen
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức được ký kết tại Hà Nội vào cuối tháng 6/2019. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết mở cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Hiện Bộ Công thương đang hoàn thiện tờ trình để trình Quốc hội phê chuẩn EVFTA.
EVFTA sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai bên. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan với thời gian để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm. 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ.
Gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Tại Hội thảo: "Hiệp định EVFTA – Thế và lực để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 5/1/2020 tại Hà Nội, ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng để tận dụng cơ hội thì cần xem thế và lực của Việt Nam ở đâu, mạnh hay yếu ở chỗ nào để vượt qua những trở ngại trong quá trình thực thi hiệp định sau này.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME, ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngô Đức Minh - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Công Thương tham gia thảo luận trong khuôn khổ hội thảo. (Ảnh: VnEconomy)
Theo ông Phùng Văn Hùng, quy mô và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá nhỏ. Trong khi đó, năng lực và chất lượng lao động Việt Nam còn yếu.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng thách thức lớn nhất hiện tại của doanh nghiệp Việt Nam là khả năng hợp tác với nhau để khai thác tốt thị trường. Doanh nghiệp Việt còn đối mặt với đầy rẫy rào cản như rào cản về kiểm dịch động thực vật, chống bán phá giá, sở hữu trí tuệ, hệ thống luật pháp EU lại quá đồ sộ và phức tạp. DN chưa mạnh, sợ rủi ro pháp luật quốc tế, sợ thua kiện do ít thông hiểu chính sách mặt hàng...
Hóa giải thách thức
Theo TS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho DN đóng vai trò quan trọng. Vì thế, các cơ quan hữu trách cần chủ động, thiết thực và hiệu quả hơn trong việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp: từ các quy định chung đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, từ các yếu tố riêng biệt của thị trường ngoài nước đến các giải pháp thay đổi ứng phó với những quy định mới…
"Cùng với đó là cải cách thể chế, bởi dù trong thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực cải cách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, song thể chế đang là rào cản với cộng đồng doanh nghiệp Việt khi thực thi EVFTA", Phó Viện trưởng CIEM đề xuất.
Đưa ra lời khuyên với cộng đồng DN, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, doanh nghiệp Việt cũng cần chủ động nắm bắt những rào cản, thách thức có thể gặp phải trong quá trình thực hiện để được hưởng lợi từ EVFTA.
Với cái nhìn thận trọng, ông Ngô Đức Minh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) chia sẻ, các DN Việt Nam cần tận dụng tối đa cơ hội từ giảm thuế mang lại, song muốn vào được thị trường EU, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng chuẩn EU, DN cần nghiên cứu kỹ và cập nhật chính sách mặt hàng, tìm hiểu về rào cản về kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan cho đến chỉ dẫn địa lý, pháp luật thương mại, kinh tế của từng thành việc EU…, nhằm tránh những rủi ro trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCharm) tại Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp đến từ châu Âu luôn đặt lợi ích làm trọng.
"Do đó, khi làm việc với các đối tác châu Âu, doanh nghiệp Việt cần biết rằng: Trong nhiều trường hợp, giá cả hàng hoá, dịch vụ chưa hẳn là yếu tố quyết định trên bàn đàm phán. Họ thường chú trọng nhiều hơn đến các điều kiện rất cao mà chúng ta phải tuân như hàng rào kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép bắt buộc phải có khi đưa hàng vào thị trường châu Âu, nhất là những vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc hàng hoá…", ông Hải Minh chia sẻ.
Theo ông Hải Minh, chỉ khi Chính phủ và doanh nghiệp cùng chung tay thực thi hiệp định thì EVFTA mới thực sự mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam những lợi ích rõ ràng thay vì chỉ mãi tạo cơ hội như cách nói thường thấy trong nhiều năm qua.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME, đưa ra 5 khuyến nghị để tận dụng hiệu quả hiệp định EVFTA, qua đó giúp cộng đồng doanh nghiệp tận dụng được thời cơ, vượt qua thách thức từ EVFTA:
Thứ nhất, tạo cơ chế thông thoáng mọi mặt để hút dòng vốn FDI vào Việt Nam để khu vực này tiếp tục góp phần vào xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thứ hai, pháp luật cần điều chỉnh bổ sung theo hướng nâng quyền sở hữu, nắm giữ, sử dụng và định đoạt tài sản của cá nhân, doanh nghiệp cao hơn. Bởi vì kinh tế thị trường và kinh doanh đòi hỏi sự chắc chắc về quyền sở hữu. Khi làm được vậy, doanh nghiệp, cá nhân có niềm tin vào Nhà nước mạnh mẽ hơn, theo đó họ yên tâm tập trung cho kinh doanh, tích lũy nguồn vốn và tài sản, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế nói chung.
Thứ ba, cần xem lại quyền, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, kể cả nghị định theo hướng nâng cao vai trò của các Ủy ban của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật nói chung.
Thứ tư, thúc đẩy nhanh việc thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Thứ năm, sớm ban hành Luật về Hội nhằm thúc đẩy và phát triển các hội ngành nghề với sự tham gia sâu rộng của doanh nghiệp tư nhân/doanh nghiệp vừa và nhỏ tập hợp lại với nhau để tạo thành một sức mạnh, cùng Nhà nước thực hiện những mục tiêu của hệ thống chính trị, góp phần vào sự nghiệp pháp triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo