Liêm chính doanh nghiệp sẽ góp phần đẩy lùi tham nhũng
Cách nào để DNNN có thể huy động tài trợ nước ngoài cho hạ tầng? / Agribank phát hành 5 triệu trái phiếu ra công chúng, chốt lãi suất 8,1%/năm kỳ đầu
Ngày 13/11, tại Hà Nội, hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy cam kết kinh doanh liêm chính”, do VCCI, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức.
Khu vực DN siêu nhỏ là “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng vặt
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lộc cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, DN đóng 1 vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, vì họ vừa là nạn nhân, vừa là nhân tố thúc đẩy tham nhũng.
Việc tham nhũng, hối lộ sẽ tàn phá môi trường kinh doanh, làm cho sự phân bổ nguồn lực không hiệu quả và ảnh hưởng đến niềm tin về môi trường kinh doanh với mọi đối tác. Phòng chống tham nhũng, kinh doanh liêm chính đang là một yêu cầu rất quan trọng đối với các DN, đặc biệt là với khu vực DNVVN.
Vì chỉ kinh doanh liêm chính, phòng chống tham nhũng mới góp phần tạo lập 1 môi trường kinh doanh bình đẳng ở Việt Nam, tạo điều kiện cho các DN phát triển lành mạnh. Điều này vừa có lợi cho DN trong việc tiếp cận thị trường, phát triển sản phẩm, vừa có lợi cho việc xây dựng môi trường kinh doanh nói chung.
Hiện nay, các nhà đầu tư đang có xu hướng lựa chọn những môi trường kinh doanh có độ liêm chính cao, cũng như các đối tác thực hiện được liêm chính DN. “Đổi mới sáng tạo là cái đầu của DN, còn liêm chính là trái tim của DN. Nếu 1 DN có cái đầu sáng tạo và trái tim liêm chính thì sẽ thành công”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đánh giá về sự tham gia của các DN trong việc thúc đẩy liêm chính kinh doanh, chống tham nhũng, ông Lộc cho rằng, đối với cộng đồng DNVVN, vấn đề phòng chống tham nhũng là một thách thức rất lớn. Các DN lớn có những công cụ, hệ thống quản trị, chuẩn mực tốt để có thể phòng ngừa được tham nhũng, nhưng đối với các DN siêu nhỏ thì thật sự khó khăn khi nền tảng quản trị còn mong manh.
Theo ông Lộc, khu vực DNVVN và 5 triệu hộ kinh doanh tại Việt Nam hiện nay bản chất là những DN siêu nhỏ trong nền kinh tế thị trường và rất dễ bị tổn thương bởi tham nhũng. Khu vực DNVVN và khu vực kinh tế hộ gia đình chính là "mảnh đất màu mỡ" cho tham nhũng vặt.
Thúc đẩy liêm chính trong DN
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, bên cạnh vai trò rất lớn của hệ thống pháp luật và những thiết chế để thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, thực hành liêm chính, nhận thức của DN là rất quan trọng.
DN cần nhận thức được đây là một yêu cầu cho chính sự phát triển bền vững của DN và cũng là trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước trong việc tạo ra môi trường kinh doanh liêm chính, lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. DN phải nói không với tham nhũng, xây dựng một tinh thần kinh doanh liêm chính và xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ minh bạch, công khai.
Các DN cần tiếp cận những yêu cầu về kinh doanh liêm chính, nhưng không phải chỉ tiếp cận từ những yêu cầu rất chung chung hay những khẩu hiệu mà phải tiếp cận bằng những bộ công cụ, chuẩn mực cụ thể. “Theo hướng này thì VCCI đã xây dựng bộ công cụ hỗ trợ cho các DNVVN, đặc biệt là các DNVVN trong phòng chống tham nhũng như là một kim chỉ nam, 1 mô hình cụ thể để các DN có thể thực hành liêm chính”, ông Lộc thông tin.
Thông qua các hiệp hội DN, VCCI với vai trò trung tâm, xây dựng và thúc đẩy triển khai bộ công cụphòng chống tham nhũng cho các DN nói chung, đặc biệt là các DNVVN, đưa ra những tiêu chuẩn rất cụ thể trong điều hành DN. Bằng cách đó sẽ thúc đẩy được kinh doanh liêm chính và phòng chống tham nhũng trong các DN tại Việt Nam.
Cũng tại sự kiện hôm nay, 11 hiệp hội DN đã chính thức ký “Bản cam kết kinh doanh liêm chính” nhằm đề cao giá trị cốt lõi của tính chính trực, tính trách nhiệm và hành vi đạo đức của DN.
Đại diện cho các DN, ông Trần Việt Anh- Chủ tịch Hiệp hội nhựa TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện tại, các DN luôn luôn bị ràng buộc bởi các hoạt động rất thiếu minh bạch. Việc cam kết kinh doanh liêm chính sẽ làm minh bạch hóa hoạt động kinh doanh của DN và tránh những phiền nhiễu không rõ ràng tác động đến DN, đặc biệt là tham nhũng vặt.
Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Anh, tác động tiêu cực đến DN từ những hoạt động không minh bạch hay tham nhũng vặt không thể hết ngay được mà mọi việc phải bắt đầu từ cơ sở. Đa số các DN đều làm việc với chính quyền địa phương từ cấp cơ sở thấp nhất nên sự thực thi của cán bộ cấp cơ sở là rất quan trọng.
“Thay đổi cần thời gian, vì vậy chúng ta cần có những mục tiêu rõ ràng cho từng thời điểm để theo dõi tiến độ thực hiện cam kết, đảm bảo cam kết không chỉ là một lời hứa mà còn là một công cụ hiệu quả thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch tại Việt Nam",bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI) phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh: LV