Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng: Nhiều cơ hội và lợi thế đang mở ra cho các nhà đầu tư giáo dục quốc tế

DNVN - Tại hội nghị “Hợp tác và Đầu tư trong giáo dục năm 2022” do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội ngày 15/9 với hơn 400 đại biểu trong và ngoài nước tham dự trực tiếp và trực tuyến, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương cho biết đang có nhiều cơ hội và lợi thế cho các nhà đầu tư giáo dục quốc tế vào địa bàn TP.

Nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc tại Lễ hội Việt Nam – Hàn Quốc 2022 / Các hãng bay tăng chuyến đến Đà Nẵng dịp lễ 2/9

Nhu cầu theo học trường quốc tế tại Đà Nẵng tăng cao

Trình bày tham luận tại hội nghị, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng (IPA Đà Nẵng) Huỳnh Liên Phương cho biết, với thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 3.753 USD, cao gấp 2 lần năm 2010 (1.709 USD), tại TP Đà Nẵng hiện nay nhu cầu và khả năng chi trả cho nền giáo dục chất lượng cao ngày một gia tăng, đồng thời xu hướng lựa chọn trường học cho con em các phụ huynh cũng đang có sự dịch chuyển đáng kể.

Giám đốc IPA Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương trình bày tham luận tại hội nghị

Giám đốc IPA Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương trình bày tham luận tại hội nghị...

Cụ thể, năm 2022 các trường tư thục trên địa bàn có 8.445 học sinh, tăng hơn gấp đôi số học sinh học trường tư thục năm 2016 (4.000 học sinh) và gấp 3 lần năm 2012. Hơn nữa, phụ huynh Đà Nẵng đang có xu hướng lựa chọn trường quốc tế tại địa phương với chất lượng, bằng cấp tương đương nhưng chỉ tốn 70 – 600 triệu đồng/năm so với phải chi gần 1,5 tỷ đồng/năm do con du học nước ngoài, chưa kể sinh hoạt phí.

Ngoài ra, những năm gần đây, số lượng người nước ngoài đến Đà Nẵng sinh sống và làm việc có chiều hướng gia tăng, đạt 4.800 người vào năm 2021. 6 tháng đầu năm 2022, tổng số người nước ngoài đăng ký tạm trú tại Đà Nẵng gần 76.000 lượt, tăng hơn 31.000 lượt người (tăng gần 70%) so với 6 tháng đầu năm 2021, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Anh... Điều đó cho thấy Đà Nẵng đang dần trở thành điểm đến để người nước ngoài du lịch, công tác ngắn hạn và dài hạn. Kéo theo đó, nhu cầu học tập của con em người nước ngoài tại TP này cũng gia tăng.

Bà Huỳnh Liên Phương cũng cho biết, theo thống kê, từ Quảng Bình đến Bình Định có hơn 20 trường quốc tế thì Đà Nẵng chiếm gần 50%. Cụ thể, trên địa bàn TP hiện có 9 trường quốc tế đào tạo các cấp học từ mầm non đến đại học, giảng dạy các chương trình chất lượng cao, hội nhập song ngữ, song bằng quốc tế... Ngoài ra, các trường đại học tại Đà Nẵng cũng ký kết nhiều chương trình đào tạo liên kết quốc tế với các trường đại học hàng đầu thế giới để đáp ứng nhu cầu học tập theo tiêu chuẩn chất lượng cao của sinh viên.

Nhiều cơ hội đang mở ra cho các nhà đầu tư

Theo bà Huỳnh Liên Phương, việc đầu tư xây dựng trường giáo dục chất lượng cao tại Đà Nẵng không chỉ đáp ứng nhu cầu của học sinh TP mà còn cho các tỉnh lân cận vì nhìn chung, đầu tư giáo dục quốc tế ở miền Trung – Tây Nguyên chưa khởi sắc, có phần hạn chế và lâu nay học sinh, sinh viên các địa phương trong khu vực này vẫn có xu hướng di chuyển đến Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội học tập tại các trường đào tạo chất lượng, tiêu chuẩn cao.

... và tham gia thảo luận về giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục

... và tham gia thảo luận về giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục (Ảnh do IPA Đà Nẵng cung cấp

Điều đó thể hiện qua việc trong khi dân số tương đối bằng nhau thì tại Đà Nẵng lại chiếm đa số cơ sở đào tạo giáo dục bậc cao với 6 trường đại học thành viên và các viện nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng, 9 trường đại học tư thục, 18 trường cao đẳng, 70 trường đào tạo nghề…; tiếp đến là Thừa Thiên Huế với 3 trường đại học, 5 phân hiệu đại học và học viện, Quảng Ngãi 3 trường đại học, Quảng Nam và Bình Định có 2 trường đại học, Quảng Bình 1 trường và Quảng Trị 1 phân hiệu đại học.

Giám đốc IPA Đà Nẵng nhấn mạnh, với mong muốn kiến tạo hệ sinh thái học thuật tri thức tại Đà Nẵng và miền Trung, TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục và có chủ trương chuẩn bị sẵn các quỹ đất kêu gọi đầu tư các dự án giáo dục chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn TP.

Trong định hướng kế hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu phát triển trở thành trung tâm về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển nguồn lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao. Trongg đó chú trọng đào tạo các ngành nghề trọng điểm mũi nhọn như điện tử, viễn thông, tự động hóa, công nghệ sinh học, cơ khí..., CNTT và truyền thông, y dược, du lịch chất lượng cao, tài chính - ngân hàng.

“Cùng với sự gia tăng nhu cầu theo học các chương trình chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế không chỉ của học sinh Đà Nẵng và các tỉnh lân cận mà còn của cộng đồng người nước ngoài, doanh nhân đến Đà Nẵng làm việc và định cư lâu dài, trên cơ sở định hướng phát triển và chủ trương ưu tiên của chính quyền địa phương cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc đầu tư dự án trường học chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế tại TP Đà Nẵng đang mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư”, Giám đốc IPA Đà Nẵng Huỳnh Thị Liên Phương nhấn mạnh.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm