Doanh nghiệp Bình Dương kích hoạt hơn 5.000 Tổ An toàn COVID-19
Bình Dương: Trao chứng nhận đầu tư 5 dự án, tổng vốn đầu tư 974,2 triệu USD / Bình Dương: Dừng hoạt động công trình xây dựng nếu không đảm bảo quy định phòng chống dịch
Tỉnh Bình Dương hiện có 27 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, với tổng số lao động đang làm việc là 485.700 người, trong đó có hơn 90% lao động là người ngoài tỉnh và gần 15.000 lao động là người nước ngoài.
Đến nay, trong các KCN đã có 43 doanh nghiệp tại 25 đã xảy ra dịch COVID-19, với 369 trường hợp F0; đã truy vết được 4.403 trường hợp F1, 9.116 trường hợp F2. Nguồn lây nhiễm chính từ các ổ dịch là từ TP Hồ Chí Minh.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, qua yêu cầu và hướng dẫn, đã có 1.877/2.045 doanh nghiệp có báo cáo tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch, chiếm 91% số doanh nghiệp đang hoạt động.
Trong đó, có 1.366 doanh nghiệp tự đánh giá rất ít nguy cơ; 433 doanh nghiệp đánh giá nguy cơ lây nhiễm thấp; 71 doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm trung bình; 3 doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao; 4 doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 5.013 Tổ An toàn COVID-19 tại doanh nghiệp. Có 1.362 doanh nghiệp đăng ký khả năng tự đảm bảo sản xuất trong điều kiện có dịch. Để đảm bảo sản xuất an toàn trước dịch COVID-19, 46 doanh nghiệp có văn bản đề nghị cho người lao động ở lại nhà máy vừa lưu trú, vừa sản xuất với tổng số lao động đăng ký gần 10.000 người.
Trong khi đó, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành lập Tổ An toàn COVID-19, bảo đảm 100% doanh nghiệp có sự giám sát của Tổ An toàn COVID-19.
Theo đó, mỗi Tổ An toàn COVID-19 có từ 2-3 người, thành phần gồm lãnh đạo các tổ, đội nhóm, đại diện công đoàn, công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại nơi sản xuất, có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, có uy tín hoặc những người là an toàn vệ sinh viên tại cơ sở.
Tổ An toàn COVID-19 sẽ giám sát và phòng chống COVID-19 chủ động tại từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, vị trí làm việc của các nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.
Ngày 13/7, tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị doanh nghiệp cần có phương án sản xuất “3 tại chỗ” và thành lập Tổ an toàn COVID-19 trong phân xưởng, nhà máy để thường xuyên theo dõi sức khỏe công nhân có triệu chứng sốt, ho, khó thở; yêu cầu 100% công nhân ký cam kết phòng, chống dịch bệnh tại nhà máy và khu nhà trọ.
GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương.
GS-TS Trần Văn Thuấn cũng đề nghị doanh nghiệp cần chia các nhóm sản xuất nhỏ. Nếu người lao động ở nội trú thì bố trí những người này cùng ở với nhau, sinh hoạt hàng ngày với nhau, đi làm cùng nhau và cùng làm tại đơn vị sản xuất. Nhóm này không được tiếp xúc với nhóm khác, kể cả trong nhà máy hay nơi ở. Điều này sẽ hạn chế rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Nếu người lao động không ở cùng nhau thì cũng khuyến cáo hạn chế giao lưu; đi làm về thì ở nhà, khi đi làm thì chia khoảng thời gian để vào nhà máy, không đi cùng hay tiếp xúc các nhóm khác”, Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo