Hỗ trợ doanh nghiệp

EU và Bắc Mỹ hủy đơn hàng vì Covid-19: Cần hỗ trợ DN quyết liệt hơn

DNVN - Từ đầu tháng 3, việc châu Âu và Bắc Mỹ giãn tiến độ, thậm chí là hủy đơn hàng và các DN Việt Nam không có đơn hàng mới đã trở nên phổ biến trong lĩnh vực dệt may và da giày do liên quan đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải quyết liệt hơn trong công tác hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp toàn cầu tăng cường tích trữ tiền mặt trong đại dịch COVID-19 / Diana Unicharm ủng hộ 2 tỷ đồng chống dịch Covid-19

Thông tin này đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ với báo chí bên lề cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây.
Phải lường trước nguy cơ, mức độ, phạm vi của dịch bệnh
Chia sẻ với báo giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong quan hệ đối tác của Việt Nam với thị trường trọng điểm, thì châu Âu và Bắc Mỹ luôn là đối tượng được Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm để phát triển quan hệ thương mại quốc tế và phát triển kinh tế.
Trên thực tế, trong thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp và các DN phân phối tham gia chuỗi cung ứng bắt đầu gặp khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở Trung Quốc, Hàn Quốc và sau đó là một số quốc gia khác. Khó khăn này bắt nguồn đầu tiên từ nguồn cung các sản phẩm phục vụ cho chuỗi cung ứng như dệt may, da giày, đồ gỗ mà Việt Nam và các DN của Việt Nam đang tham gia trong phát triển thị trường tại châu Âu và Bắc Mỹ cũng như các thị trường khác trên thế giới.
Mới đây, những khó khăn này tiếp tục thể hiện dưới những dạng mới, đặc biệt do gắn liền với dịch bệnh đang tiếp tục phát triển, lan rộng ở quy mô lớn hơn ở các quốc gia châu Âu cũng như Bắc Mỹ và toàn cầu.
"Nhưng với sự phát triển rất nhanh tại châu Âu và Bắc Mỹ, các quốc gia này đều phải thực hiện một số chính sách phòng, chống dịch bệnh có tính chất quyết liệt hơn và triệt để hơn, trong đó bao gồm cả biện pháp phong tỏa khu vực từ các TP, các bang, thậm chí còn phong tỏa trên phạm vi quốc gia, tức là ngăn chặn tất cả các hoạt động trong hoạt động vận chuyển, phân phối. Theo đó ảnh hưởng đến các sản phẩm, ngành hàng và chuỗi cung ứng của những quốc gia mà chúng ta có quan hệ, và thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động mua sắm, thương mại nội địa tại những quốc gia này", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Thực tế, trong thời gian cuối tháng 2 đã bắt đầu có một số đơn hàng, một số hợp đồng bị giãn tiến độ nhưng chủ yếu là do vấn đề khó khăn về nguồn cung mà hai bên chưa thống nhất được.
Nhưng đến đầu tháng 3, việc giãn tiến độ, thậm chí là hủy đơn hàng và không có những đơn hàng mới đã trở nên phổ biến trong lĩnh vực dệt may và da giày, trước tiên là từ khu vực châu Âu và bây giờ là châu Mỹ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với báo giới về việc hỗ trợ DN trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. (Ảnh: Báo Công Thương)
Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, diễn biến và quy mô dịch bệnh như hiện nay sẽ tác động lớn đến cầu của các thị trường lớn, trong đó có châu Âu và Bắc Mỹ trong quý II và quý III năm 2020.
"Tôi cho rằng, việc này chúng ta phải lường trước ngay cả quy mô, mức độ, phạm vi của nó có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới bởi vì hiện vẫn chưa đạt đến đỉnh dịch tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Và điều đó có nghĩa rằng các giải pháp của châu Âu và Bắc Mỹ dù đã rất kiên quyết và triệt để trong phong tỏa hạn chế đi lại cũng như lưu thông, chúng tôi cho rằng vẫn chưa mang lại hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh. Như vậy, trong thời gian tới có thể sẽ có những phức tạp hơn trong biện pháp phòng, chống dịch bệnh, từ đó tác động đến kinh tế, thương mại của những nước này, kể cả thương mại nội địa và quốc tế của họ", ông Trần Tuấn Anh khuyến cáo.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, biện pháp đầu tiên là thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Đồng thời là tiếp tục tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Đặc biệt, việc đánh giá, dự báo những tác động ảnh hưởng của dịch bệnh đến các quan hệ thương mại của các nước này đối với Việt Nam cũng như đối với các chuỗi cung ứng mà Việt Nam đang tham gia là chưa đủ và có thể chúng ta phải đánh giá tiếp những tác động trực tiếp đến những ngành hàng và DN của chúng ta, kể cả những tác động rất xấu là phải cắt giảm các hoạt động sản xuất và kinh doanh, bao gồm cả XNK bởi vì có những vấn đề mang tính chất bất khả kháng thì chúng ta không thể làm khác được.
Do vậy, người đứng đầu Bộ Công Thương khuyến nghị các DN của Việt Nam cần tính trước, tiên liệu để xây dựng kế hoạch vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp, trong đó có thể dựa vào nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ dưới nhiều hình thức nhưng đồng thời bằng những nỗ lực của chính DN và sự kết hợp trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ DN với người lao động.
Cần hỗ trợ DN quyết liệt hơn
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sự hỗ trợ các nguồn lực của Chính phủ bằng cả nguồn lực và cơ chế chính sách là rất quan trọng. Do đó, Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với các bộ ngành để làm việc với cộng đồng DN, với các hiệp hội ngành hàng để đánh giá kỹ hơn những nguy cơ tác động từ khâu bị sụt giảm trong thị trường ngoài nước, biên độ thị trường ngoài nước ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam, đến những DN dệt may và da giày, để từ đó có báo cáo và định hướng giải pháp chính sách.
Bộ trưởng đánh giá, những kênh quan trọng thể hiện sự hỗ trợ và mang lại hiệu quả cho DN gồm kênh về tài chính và các chính sách về thuế, phí; kênh tín dụng, ngân hàng; kênh đầu tư công; kênh đánh giá thiệt hại tác động đến DN ở nhiều khía cạnh - cả chủ DN và người lao động; và kênh thúc đẩy phát triển thị trường nội địa.
Riêng về kênh hỗ trợ tài chính và các chính sách thuế, phí, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, "cần quyết liệt hơn của Bộ Tài chính và các bộ ngành để cắt giảm các khoản thuế, phí để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, bao gồm cả thuế thu nhập DN đến sắc thuế về giá trị gia tăng, các loại thuế phí để có sự cộng hưởng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN để tháo bớt khó khăn do DN. Thứ ba là các khoản dịch vụ phí trong các lĩnh vực, kể cả trong logistics cũng như các ngành khác có liên quan cũng cần phải xem xét để đồng bộ, tổng thể để DN có thể thụ hưởng được các điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, cần đi đôi với cải cách các thủ tục hành chính để bản thân các gói hỗ trợ và chính sách đến đúng được đối tượng kịp thời, nếu không sẽ không phát huy được hiệu quả".
Thực ra với năng lực sản xuất hiện nay của Việt Nam, dệt may và da giày vượt xa nhu cầu của thị trường. Theo đánh giá sơ bộ, nội nhu của chúng ta chỉ chiếm khoảng 10% năng suất và công suất ngành dệt may và da giày. Tuy nhiên, rõ ràng thị trường 100 triệu dân của Việt Nam còn nhiều điều kiện phát triển, nhất là khi có khoảng cách nhất định về địa lý cũng như tầng lớp dân cư với những mức thu nhập khác nhau trong xã hội. Do đó cần quan tâm phát triển mạnh nội nhu trong giai đoạn này, phát triển thị trường bán lẻ trong nước, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ DN trong kết nối với các khu vực thị trường trong nước cũng như tiếp tục phát triển ngay các hạ tầng thương mại đa dạng, trong đó lưu ý phát triển cả thương mại điện tử, một kênh rất quan trọng để thúc đẩy cho tiêu thụ phân phối hàng hóa của các ngành tiêu dùng, trong đó có dệt may và da giày.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm