Hỗ trợ doanh nghiệp

Kết quả tích cực từ Chương trình đào tạo kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

DNVN - Ngay sau khi tham gia "Khóa đào tạo kinh doanh sàn thương mại điện tử giảm thiểu những bất lợi và khó khăn do dịch COVID-19 cho doanh nghiệp (DN) do nữ làm chủ", đã có hơn 40 DN đăng ký và hoàn thiện thủ tục cần thiết để đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử. Nhiều DN đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ đối tác của chương trình.

TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp kêu không thể trụ nổi với gánh nặng chi phí xét nghiệm COVID-19 / Xuất khẩu sang Anh: Doanh nghiệp Việt phải làm gì khi phát sinh tranh chấp thương mại?

Từ giữa tháng 9/2021 đến ngày 24/9, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) và Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (ECOMVIET) thuộc Cục Thương mại điện tử và kinh tế (Bộ Công Thương) đã phối hợp tổ chức “Khóa đào tạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử giảm thiểu những bất lợi và khó khăn do dịch COVID-19 cho doanh nghiệp do nữ làm chủ”.
Chương trình đào tạo được tổ chức trong 5 buổi (từ ngày 14 – 24/9) theo hình thức trực tuyến. Tham gia hướng dẫn đào tạo là các chuyên gia đến từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, từ 2 sàn thương mại điện tử Sendo và Voso cùng các đối tác triển khai chương trình như Viettel Post, I-check, VPBank.
Khóa học mang tới các nội dung phong phú, đa dạng như kinh doanh trên thương mại điện tử, logistics trong thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, giải pháp tài chính số hay phát triển thương hiệu doanh nghiệp trên môi trường số. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi, doanh nghiệp địa phương phát triển thêm kênh bán hàng hiện đại trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Khóa học có nhiều nội dung phong phú giúp các DN do nữ làm chủ có thêm kênh bán hàng hiện đại trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về khóa học, ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Tin hoc và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 60% doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô siêu nhỏ, dưới 10 lao động. Phụ nữ thường khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, đối tác hay còn hạn chế trong việc tiếp cận kiến thức, xu thế và công nghệ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Chúng tôi xây dựng chương trình nhằm mục tiêu cung cấp các giải pháp cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp địa phương, hộ kinh doanh do nữ làm chủ những kiến thức về thương mại điện tử, những thao tác trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử hay vận hành logistics trong thương mại điện tử. Ngoài ra, hỗ trợ các nữ doanh nhân xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm, cách thức xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm trên nền tảng số hay ứng dụng các giải pháp tài chính số, hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp", ông Bùi Huy Hoàng nói.

Một trong những sản phẩm của DN đăng ký bán trên sàn thương mại điện tử.
Theo ông Hoàng, gần 300 doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp, hộ kinh doanh đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như Hội nông dân, Hội phụ nữ của một số tỉnh, thành phố đã tham gia khóa đào tạo trực tuyến ứng dụng thương mại điện tử này để chuyển đổi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Với chương trình này, I-check sẵn sàng hỗ trợ miễn phí 1 năm cho doanh nghiệp ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm hoặc Ngân hàng VPBank có những gói hỗ trợ tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” và đặc biệt có chính sách ưu đãi riêng cho nhóm doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử có thể trực tiếp hỗ trợ 1:1 đối với các doanh nghiệp tham gia với mục tiêu tăng cường hơn nữa sự hiện diện của các sản phẩm Việt, thương hiệu Việt trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Hoàng nhấn mạnh, khóa học diễn ra trong ít ngày nhưng đã mang lại kết quả tích cực. Theo đó, số lượng lớn DN ở địa phương nắm được mô hình quy trình cũng như kiến thức về thương mại điện tử cho sản phẩm của DN. DN nắm được các chương trình hỗ trợ mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang cùng với các đối tác triển khai. Ngoài ra, các DN đã có đầu mối từ Cục và các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ phát triển sản phẩm theo các hình thức trên môi trường số.
"Ngay sau khi khóa học kết thúc, đã có trên 40 DN đăng ký và hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đưa hàng hoá lên các sàn thương mại điện tử và đặc biệt tham gia vào “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” với đa dạng các sản phẩm về nông sản, dược, thực phẩm, kinh doanh nội thất. Nhiều DN trong quá trình đào tạo đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ đối tác của chương trình và được hỗ trợ trực tiếp về mặt thủ tục", ông Hoàng thông tin.
"Khóa đào tạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử giảm thiểu những bất lợi và khó khăn do dịch COVID-19 cho doanh nghiệp do nữ làm chủ" nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển Nữ doanh nhân: Kiến tạo Hệ sinh thái Kinh doanh Đáp ứng giới (CWE)” do Ủy ban Kinh tế- Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương (UN ESCAP) hỗ trợ thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2023. Dự án nhằm mục tiêu góp phần thu hẹp khoảng cách số và đối phó với các thách thức của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ có thể mở rộng mạng lưới kinh doanh và tăng cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm