Phát huy phong cách người Đà Lạt trong kinh doanh
"Hiến kế" phát huy thương hiệu Thành phố Festival hoa và phong cách người Đà Lạt / Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: Festival hoa góp phần đưa Đà Lạt – Lâm Đồng vươn ra thế giới
Nét văn hóa kết tinh từ đất lành
Theo các nhà nghiên cứu, phong cách đặc trưng của người Đà Lạt đó là “Hiền hòa – Thanh lịch – Mến khách”. Cụm từ này thường xuyên xuất hiện trên lời nói của những nhà hoạt động du lịch nói riêng và cả của cư dân Đà Lạt nói chung, như là một niềm tự hào về nét văn hóa đáng yêu của người Đà Lạt và cả những du khách thập phương có tình yêu với thành phố cao nguyên này.
UBND TP Đà Lạt vừa tổ chức Hội thảo khoa học phát huy giá trị thương hiệu Thành phố Festival hoa và phong cách người Đà Lạt “Hiền hoà – Thanh lịch – Mến khách” thu hút đông đảo giới học giả, trí thức, người yêu Đà Lạt tham gia.
Nét văn hóa đáng quý này được hình thành theo quy luật chung trước hết là trên cơ sở điều kiện tự nhiên của Đà lạt có khí hậu mát mẻ quanh năm với bạt ngàn rừng thông xanh, nhiều suối hồ tạo nên những thắng cảnh, thơ mộng làm cho tâm hồn con người dịu nhẹ thanh thản. Thiên nhiên của Đà Lạt không khắc nghiệt với những trận bão lụt có sức tàn phá lớn làm thiệt hại nặng nề về tài sản và con người như những vùng quê khác. Điều đó cũng là yếu tố làm cho con người sống ôn hòa một cách tự nhiên. Đó là cốt cách “Hiền hoà” của con người nơi đây.
Có thể nói một cách nhân hóa, không gian Đà Lạt là một không gian thanh lịch bởi cảnh quan và khí hậu. Một không gian mà từ rất sớm đã là nơi nuôi dưỡng thơ ca, nhạc, họa. Nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ đã đến đây và đã sáng tác những tác phẩm nổi tiếng càng làm tăng lên cái sang trọng, cái lãng mạn và nét thanh lịch của thành phố này. Điều đó cũng đã làm cho người Đà Lạt tự hào và trở nên lịch lãm, thanh lịch hơn.
Bên cạnh đó, những cư dân đầu tiên đến Đà Lạt giữa một không gian mênh mông, họ luôn mong muốn có nhiều người cùng đến, tiếp tục đến để hợp sức khai thác thiên nhiên, để phòng chống thú dữ, bệnh tật và cả đấu tranh với giới chủ hà khắc, áp bức. Từ đó đã hình thành và phát triển mạnh mẽ trong họ một tình cảm cộng đồng và hiếu khách, họ sẵn sàng cưu mang giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, trong cuộc sống. Đó là cái “Mến khách” của người Đà Lạt.
“Quầy hàng phong cách người Đà Lạt” tại Chợ Đà Lạt.
Tuy vậy, trong những thập niên vừa qua, quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước nói chung, của thành phố du lịch Đà Lạt nói riêng đã có những tác động không nhỏ đến việc giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong phong cách “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” của người dân. Từ đó, vấn đề giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương, người dân, du khách…
Phát huy phong cách người Đà Lạt trong kinh doanh nhìn từ Chợ Đà Lạt
Việc giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” không phải là “khẩu hiệu suông” để giữ gìn nét đặc trưng văn hóa của con người và mảnh đất nơi đây, mà nó đã tạo ra nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội cho thành phố. Trong đó, giá trị mang lại lớn nhất là giá trị kinh tế. Giá trị này bao gồm tăng cơ hội phát triển du lịch, tạo cơ hội công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương.
Logo “Quầy hàng phong cách người Đà Lạt” được xét cấp cho các quầy hàng đủ tiêu chuẩn tại Chợ Đà Lạt.
Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học Giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa – Thanh lịch – Mến khách” do Trường Đại học Đà Lạt thực hiện trong giai đoạn năm 2018-2020, chính quyền địa phương và các chủ thể liên quan đã và đang triển khai thử nghiệm mô hình bán hàng theo phong cách người Đà Lạt. Đây được đánh giá là một giải pháp mang tính chiến lược giúp thành phố duy trì và phát huy phong cách sống địa phương, đồng thời giúp nâng cao hình ảnh của thành phố.
Ông Trương Văn Thu – Phó Ban quản lý Chợ Đà Lạt, cho biết, mô hình bán hàng theo phong cách người Đà Lạt được triển khai xây dựng từ năm 2020 tại ngành hàng đặc sản và ngành hàng hoa. Mục đích để vận động tiểu thương thực hiện buôn bán và các hoạt động dịch vụ đề cao chữ tín, chữ tâm, không nói thách, cư xử nhã nhặn với khách hàng; kinh doanh cạnh tranh lành mạnh bằng ưu thế của chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giá cả hợp lý.
“Trải qua 3 năm triển khai, mô hình đã dần đi vào ổn định và bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực trong cộng đồng những người bán hàng tại Chợ Đà Lạt. Từ đó góp phần tuyên truyền, phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” trong kinh doanh cũng như trong sinh hoạt”, Phó Ban quản lý Chợ Đà Lạt, khẳng định.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết – chủ quầy hàng đặc sản Tuyết Hùng, Trưởng ngành hàng đặc sản Chợ Đà Lạt, là ngành hàng đầu tiên được chọn triển khai xây dựng mô hình bán hàng theo phong cách người Đà Lạt, khi được Ban quản lý chợ và chính quyền địa phương phát động, chị em tiểu thương đã hưởng ứng tích cực, với mong muốn góp phần giữ gìn và phát huy phong cách, hình ảnh tốt đẹp của người Đà Lạt.
“Trong năm đầu tiên triển khai bình xét, có 68 quầy hàng đặc sản đạt chuẩn và được gắn bảng “Quầy hàng phong cách người Đà Lạt”. Đến năm 2022, số quầy hàng đặc sản đạt chuẩn tăng lên 77 quầy. Đây là thành quả đáng khích lệ của chị em tiểu thương ngành hàng đặc sản. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng, phát huy phong cách người Đà Lạt trong thế hệ tiểu thương trẻ tuổi, những người từ các tỉnh, thành khác đến tham gia kinh doanh tại Chợ Đà Lạt”, Trưởng ngành hàng đặc sản chợ Đà Lạt, chia sẻ.
Bà Trần Thị Vũ Loan – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, trao logo chứng nhận “Quầy hàng phong cách người Đà Lạt” cho tiểu thương ngành hàng đặc sản tại Chợ Đà Lạt.
Bà Trần Thị Vũ Loan – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, Trưởng Ban chỉ đạo giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt, cho biết, phát huy phong cách người Đà Lạt trong kinh doanh là một trong những thành tố quan trọng trong kế hoạch triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt. Việc thực hiện phải được duy trì thành nề nếp, thường xuyên, liên tục và phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, cơ sở, địa phương. Từ đó từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hoá, nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức trong hoạt động giao tiếp, ứng xử, kinh doanh, buôn bán trên địa bàn thành phố.
“Việc giữ gìn và phát huy phong cách, truyền thống văn hoá tốt đẹp của của người Đà Lạt sẽ góp phần xây dựng TP trở thành đô thị văn minh, hiện đại, hội nhập, phát triển và là thành phố đáng sống. Đồng thời góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Đà Lạt, xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch trọng điểm của cả nước và khu vực”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Trần Thị Vũ Loan, kỳ vọng.
Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, văn hóa giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Vốn văn hóa có thể thay thế các loại vốn khác, tài nguyên khác; đóng góp tổng thu nhập và tốc độ phát triển của một quốc gia, khu vực. Đà Lạt không ngoại lệ. Những năm qua, thành phố đã phát huy rất tốt nguồn lực về văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Giữ gìn, phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hoà – Thanh lịch – Mến khách” được xem là sự lựa chọn ưu việt nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với sự nỗ lực đó, Đà Lạt đã và đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển về kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo