Hỗ trợ doanh nghiệp

Quy định của Thụy Điển về hạn chế nhập khẩu và giấy phép nhập khẩu

DNVN - Thụy Điển có những quy định cụ thể về thủ tục hải quan, giấy phép nhập khẩu và những mặt hàng hạn chế nhập khẩu mà các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cần lưu tâm.

Chủ tịch VINASME kiến nghị Thủ tướng 6 giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa / Chủ tịch Quốc hội: Cần quan tâm tới kiến nghị của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Về thủ tục hải quan, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Điển phải làm các thủ tục hải quan. Tờ khai hải quan phải do người nhập khẩu hoặc người được uỷ quyền nộp cho cơ quan hải quan. Tuy nhiên, người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo hải quan là chính xác.
Đối với khai báo hải quan qua Internet: đây là một phương thức chuyển tải tờ khai xuất nhập khẩu đến cơ quan hải quan một cách nhanh gọn và hiệu quả. Toàn bộ quá trình khai tờ khai hải quan tại Thụy Điển qua Internet đều miễn phí. Người nhập khẩu chỉ cần nhập các mục cần thiết trong mẫu tờ khai điện tử, sau đó chuyển đến hệ thống máy tính của Hải quan Thụy Điển qua Internet. Những thông tin khai báo điện tử được hợp thức hoá nhờ việc sử dụng chữ ký điện tử.
Đối với khai báo hải quan trên giấy tờ: người nhập khẩu sau khi khai đầy đủ các thông tin trên tờ khai (trên văn bản giấy) sẽ nộp tờ khai này cho cơ quan hải quan. Nhân viên hải quan sẽ nhập các thông tin trên tờ khai vào hệ thống máy tính của Hải quan Thụy Điển. Người nhập khẩu sẽ phải trả một khoản lệ phí cho việc khai báo này. (Nếu khai và nộp tờ khai hải quan ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ sẽ phải trả một khoảng lệ phí khoảng 5 USD).

Các chứng từ cơ bản cần có khi khai hải quan, bao gồm: Hoá đơn thương mại; Tờ khai hải quan; Chứng từ vận chuyển; Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hoá; Phiếu đóng gói; Giấy chứng nhận xuất xứ; Giấy phép nhập khẩu; Giấy chứng nhận kiểm dịch; Chứng từ nhập khẩu; Và một số chứng từ, tài liệu khác tuỳ thuộc vào loại hàng hoá nhập khẩu hoặc các ưu đãi được hưởng.
Các nhà nhập khẩu thường sử dụng các dịch vụ của các công ty giao nhận vận chuyển để làm các thủ tục hải quan cho hàng hóa. Thực tế, các công ty giao nhận lớn đều có kho riêng được phép tạm lưu hàng dưới sự giám sát của hải quan. Công ty giao nhận cũng có thể thanh toán thuế hải quan và nộp các loại thuế, phí khác. Hơn 90% lượng hàng gửi bằng đường hàng không đều thông qua một công ty giao nhận.
Đa số các nhà nhập khẩu thường xuyên đều đăng ký với Cục Hải quan Thụy Điển để được sử dụng Mẫu khai hải quan đơn giản. Các nhà nhập khẩu không đăng ký thì phải nộp tờ khai hải quan đầy đủ và phải trả thuế, phí trước khi nhận hàng.
Liên quan đến vấn đề hạn chế nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Thuỵ Điển có những qui định nhập khẩu riêng đối với một số hàng hoá trong diện hạn chế nhập khẩu. Việc hạn chế có thể do: Chính sách thương mại, bảo vệ môi trường, sức khỏe và an ninh, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đối với động vật và thực vật.
Đối với một số hàng hoá nhất định như vũ khí, chất gây nổ, và chất độc hại chỉ các cá nhân và tổ chức có thẩm quyền mới có quyền nhập khẩu, và yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu hoặc sự cho phép đặc biệt. Các chất pha chế vi khuẩn học nhất định chỉ có thể được nhập khẩu bởi Phòng thí nghiệm Vi khuẩn Quốc gia.
Một số mặt hàng cần có giấy phép và chứng từ bổ sung khi nhập khẩu là động vật sống và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, cây trồng, nông sản, thực phẩm, đồ uống có cồn, hoá chất và các sản phẩm hoá chất, sản phẩm y tế, ma tuý, các loài động vật và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), rác thải.
Ngoài ra, Bộ Công Thương lưu ý, ở Thụy Điển, rượu thường bị đánh thuế rất nặng và chỉ được bán ở những cửa hàng đặc biệt.
Về giấy phép nhập khẩu, sau khi Thụy Điển gia nhập Liên minh Châu Âu vào ngày 01/01/1995, rất nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Điển yêu cầu bắt buộc phải có giấy phép.
Do đó, doanh nghiệp cần phải liên hệ với cơ quan cấp giấy phép trước khi tiến hành nhập khẩu. Thông tin đăng ký cấp phép được gửi hàng ngày cho Uỷ ban châu Âu tại Brussels (Bỉ) phê duyệt. Riêng hàng công nghiệp sẽ do Uỷ ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển cấp giấy phép.
Hầu hết các mặt hàng dệt may và các sản phẩm sắt thép, thủy sản và nông sản yêu cầu giấy phép nhập khẩu. Trước khi nhập khẩu, nhà nhập khẩu nên tìm hiểu các qui định áp dụng đối với mặt hàng của mình.
Hàng mẫu của những sản phẩm cần phải xin giấy phép nhập khẩu thì cũng phải thông qua các thủ tục xin giấy phép tương tự như đối với các lô hàng có tính chất thương mại. Để đơn giản hóa thủ tục, Thụy Điển chấp nhận cấp giấy phép nhập khẩu trọn gói có giá trị lên đến 6 tháng. Theo đó, nhà nhập khẩu Thụy Điển có thể nhập khẩu nhiều lần một số lượng hàng mẫu nhất định có giá trị vừa phải từ một nước nào đó. Như vậy, nhà nhập khẩu không phải xin từng giấy phép riêng biệt cho từng lô hàng mẫu. Khi giấy phép nhập khẩu trọn gói hết hạn, nhà nhập khẩu Thụy Điển phải trình cho cơ quan cấp giấy phép các chứng từ có liên quan đã được cấp cho các nơi gửi hàng mẫu. Đối với các hàng mẫu có giá trị thương mại sẽ được tái xuất, việc tạm miễn thuế và các loại phí khác sẽ được xem xét.
Đối với hàng tạm nhập: Hàng hoá nhập khẩu vào Thụy Điển không nhằm sử dụng trong nước có thể được miễn nộp thuế nhập khẩu và/ hoặc thuế giá trị gia tăng khi được nhập khẩu trong thời gian ngắn và sau đó được tái xuất.
Hàng hóa được xuất khẩu đến một nước ngoài Liên minh châu Âu để chế biến gọi là chế biến thụ động. Chế biến chủ động là hàng hóa nhập vào Liên minh châu Âu để chế biến tại đây. Trong cả hai trường hợp đều thu thuế trên sản phẩm đã qua chế biến. Nhà nhập khẩu nộp đơn xin tạm nhập tại Cục Hải quan Thụy Điển và đơn này sẽ được chuyển đến Brussels, nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu để xem xét...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm