Hỗ trợ doanh nghiệp

Sinh viên thực tập tại doanh nghiệp: Lợi ích đi kèm thách thức cho cả đôi bên

DNVN - Việc sinh viên thực tập tại doanh nghiệp (DN) được cho là mang lại nhiều lợi ích cũng như áp lực, thách thức cho cả đôi bên. Mọi sự đầu tư của DN đều là nghiêm túc, nên khi quyết định thực tập, sinh viên cũng cần có thái độ nghiêm túc để từ đó tạo ra giá trị cho DN và chính bản thân mình.

Mai Linh dự kiến đầu tư 3.500 xe mới, số hoá để tăng trải nghiệm khách hàng / Nhận diện tiềm năng và cơ hội đầu tư thị trường bất động sản Tây Nam Bộ

Tại talkshow "Cà phê Sinh viên" sáng ngày 3/6 tại Học viện Ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Chương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) cho biết, chương trình được tổ chức nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng. Chương trình do Ban Đối ngoại và Ban Nghiên cứu của VALOMA phối hợp với Khoa Quản trị kinh doanh (Học viện Ngân hàng) tổ chức.

PGS, TS Nguyễn Vân Hà - Trưởng ban Đối ngoại VALOMA, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh thuộc Học viện Ngân hàng chia sẻ, "Cà phê Sinh viên" là nơi gặp gỡ đối thoại giữa DN, các cơ sở đào tạo và sinh viên các trường trên toàn quốc. Đối với DN và các cơ sở đào tạo, đây là cơ hội để giảm bớt khoảng cách giữa nhu cầu của DN và nội dung đào tạo đang triển khai. Trong khi đó, sinh viên có dịp được cập nhật thêm nhiều thông tin về môi trường kinh doanh, giúp nâng cao kiến thức nghiệp vụ thực tiễn, mở rộng kết nối với các DN cũng như cơ hội nghề nghiệp.

PGS, TS Nguyễn Vân Hà - Trưởng ban Đối ngoại VALOMA, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh thuộc Học viện Ngân hàng cho biết, "Cà phê Sinh viên" là cầu nối giúp DN tìm được nguồn nhân sự chất lượng.

Với chủ đề "Chuyển đổi số và hoạt động của thực tập sinh, lợi thế và bất cập nhìn từ hai phía", talkshow 5 thu hút sự tham gia của 400 sinh viên tham dự trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng zoom.

Chia sẻ về chủ đề mối quan hệ với DN và thực tập sinh, bà Lê Thanh Loan - Thành viên Ban Đối ngoại của VALOMA, Giám đốc Công ty TNHH Gatelink Việt Nam cho biết, việc sinh viên thực tập tại DN mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.

Trong đó, sinh viên được hoàn thiện và phát triển kiến thức, kỹ năng và thái độ; có lợi thế, cơ hội việc làm. Đồng thời có thể định hướng tương lai, mở rộng các mối quan hệ xã hội và tăng thu nhập.

Hàng trăm sinh viên tham dự trực tiếp và trực tuyến talkshow 5 chương trình "Cà phê Sinh viên".

Còn việc DN tuyển thực tập sinh mang lại lợi ích cho công ty. Đó là tăng hiệu suất của DN, tận dụng được những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo từ sinh viên trong thực hiện các dự án mới. Qua tiến trình thực tập, DN sẽ chọn được những người phù hợp, cam kết làm việc lâu dài và đồng hành cùng DN.

Tuy nhiên, thực tập sinh cũng như DN đối mặt không ít bất cập, khó khăn. Trong đó, sinh viên áp lực về thời gian, công việc, kinh tế khi SV vừa phải dành thời gian học ở trường, và thực tập ở DN, theo đó khó hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.

"Thêm vào đó là sự khác biệt giữa môi trường sinh viên và thực tế làm việc tại DN. Dù vậy, quá trình đào tạo và làm việc thực thực tế tại DN sẽ giúp sinh viên hiểu được rõ hơn về ngành mà mình theo đuổi, nhanh chóng bắt nhịp, thích ứng được với môi trường mới", Giám đốc Gatelink Việt Nam nói.

Bà Lê Thanh Loan - Giám đốc Gatelink Việt Nam chia sẻ về lợi ích cũng như thách thức khi sinh viên thực tập tại DN.

Với DN, trong công tác tuyển thực tập sinh, DN phải đầu tư thời gian và chi phí đào tạo không hề nhỏ. Nhân sự thiếu định hướng và khó gắn bó lâu dài bởi sinh viên có tâm lý lựa chọn, ngập ngừng trong việc gắn bó với DN. Ngoài ra, yếu tố nhân sự không phù hợp cũng làm khó DN. Có thể lúc đào tạo thì sinh viên đáp ứng được yêu cầu DN đặt ra. Nhưng sau vài tháng, sinh viên gặp vài thử thách, mắc sai sót thì họ không đủ kiên nhẫn, quyết tâm và rời bỏ DN.

"Do đó, DN phải liên tục đào tạo, phỏng vấn, và đăng tuyển tìm nhân sự. DN phải trăn trở, "đau đầu" tìm ra kế sách để làm sao tuyển thực tập sinh mang lại hiệu quả, không bị vướng vào vóng xoáy tuyển dụng, đào tạo và thực tập sinh nghỉ việc... Thực tập sinh là nguồn lao động tương lai nên các DN đều đánh giá cao các thực tập sinh.

Sinh viên tương tác với các diễn giả.

Tuy vậy, sinh viên cần hiểu rằng, mọi sự đầu tư của DN đều là nghiêm túc, nên khi quyết định thực tập, sinh viên cũng cần có thái độ nghiêm túc, cần quan tâm đến 4 yếu tố: kiến thức, thời gian, kinh tế và môi trường, để làm sao mang lại giá trị cho bản thân và DN", bà Loan khuyến nghị.

Phần trình bày của bà Loan nhận được sự tương tác, phản hồi tích cực và sôi nổi từ phía các bạn sinh viên tham gia trực tiếp tại hội trường cũng như qua nền tảng trực tuyến. Sinh viên đã đưa ra nhiều câu hỏi cho diễn giả cũng như chia sẻ tâm tư, nguyện vọng khi thực tập tại các DN. Các em cũng cảm ơn Ban tổ chức đã tạo sân chơi bổ ích, ý nghĩa. Sự kiện giúp sinh viên có cơ hội trao đổi trực tiếp, lắng nghe các ý kiến chia sẻ từ các diễn giả vốn là chuyên gia và lãnh đạo DN nhiều thông tin mới mẻ, bổ ích về môi trường DN nói chung và ngành logistics nói riêng.

Trong khuôn khổ chương trình, phần mingame đã nhận được sự tham gia hào hứng của các bạn sinh viên. Ban tổ chức chương trình đã dành tặng 20 suất thực tập hấp dẫn và giá trị tại Cty Smart Life, Gatelink Việt Nam, TGIMEX Việt Nam cho các bạn sinh viên có câu trả lời xuất sắc. Những người chiến thắng cũng được tặng cuốn sách "Hỏi đáp về logistics" của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), và "Cẩm nang tài chính cá nhân" của Khoa Quản trị kinh doanh (Học viện Ngân hàng).

Tại chương trình, ông Nguyễn Thế Tiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life, Viện phó viện Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại chia sẻ chủ đề "Chuyển đổi số: thực trạng, cơ hội và thách thức".

Ông Nguyễn Thế Tiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life, Viện phó viện Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại.

Ông Nguyễn Thế Tiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life, Viện phó viện Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại.

Theo ông Tiệp, lợi ích và cơ hội từ chuyển đổi số mang lại rất lớn như thúc đẩy tăng doanh thu cho DN; dễ dàng quản lý tập trung; tăng cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh; bảo vệ và giữ vững thương hiệu; quản trị dữ liệu khoa học, tinh gọn, tiện lợi. Cùng với việc tiết kiệm chi phí, chuyển đổi số sẽ nâng tầm và tạo giá trị mới cho sản phẩm...


Tuy vậy, khi tham gia chuyển đổi số, tổ chức hay DN cũng đối mặt nhiều thách thức. Đó là chi phí nguồn lực tài chính, nhân lực hạn chế về công nghệ, DN không biết bắt đầu từ đâu, thiếu thông tin về các giải pháp và nhà cung cấp. Đặc biệt, không ít lãnh đạo DN thiếu quyết tâm và hiểu biết. Thêm vào đó là rủi ro trong quản trị dữ liệu, an ninh mạng; hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, mạng truyền dẫn...

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm