Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Doanh nghiệp logistics bị hạn chế về “sân chơi”
DNVN - Tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics" sáng 28/4, dù ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) logistics thời gian qua, nhưng Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, ở cả chiều mua và bán, DN logistics trong nước còn bị hạn chế về “sân chơi”.
Xuất khẩu thủy sản sang EU: Vẫn chủ yếu là nguyên liệu thô, ít hàng giá trị cao / Đà Nẵng: Triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới với những cam kết ở mức độ rất cao của các bên tham gia trong tất cả các lĩnh vực, kể cả truyền thống, phi truyền thống. Phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mà cả trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ...
Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 2010 đến nay tăng 4,25 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 668,5 tỷ USD năm 2021.
Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4, song xuất nhập khẩu cả nước vẫn đạt con số kỷ lục với tổng kim ngạch đạt 668,55 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%; xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao vai trò của ngành dịch vụ logistics.
"Kết quả tích cực nêu trên không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics. Trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cũng như những nỗ lực của cộng đồng DN, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhìn nhận.
Theo Thứ trưởng, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua, nhưng các DN logistics Việt Nam đã thích nghi và cơ bản vẫn duy trì được chuỗi cung ứng. Hiệp hội các DN dịch vụ logistics cùng các DN đã góp phần gánh vác, chia sẻ cùng các hiệp hội ngành hàng khác tìm ra các giải pháp để tối ưu hóa hoạt động logistics, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian; kiến nghị với Nhà nước những vấn đề mang tính chiến lược, góp phần duy trì và ổn định chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và DN Việt Nam trong bối cảnh rất cam go do dịch bệnh gây ra. Đồng thời, các DN cũng nỗ lực hiện đại hóa công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa dịch vụ để vượt qua khó khăn.
Tuy vậy, Thứ trưởng thẳng thắn cho rằng, dù có bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua nhưng ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Một trong những hạn chế lớn là DN logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của ngành.
Dẫn số liệu từ Hiệp hội DN logistics Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, hiện 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là DN Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các DN nước ngoài.
“Số lượng DN nhiều nhưng chủ yếu là DN nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa DN dịch vụ logistics với DN xuất nhập khẩu. Do vậy, ở cả chiều mua và bán, DN logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”, Thứ trưởng đánh giá.
Đánh giá cao việc Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Báo Công Thương tổ chức hội thảo, Thứ trưởng cho rằng, chủ đề hội thảo không mới nhưng là yếu tố then chốt, là vấn đề tiên quyết cần giải quyết nếu muốn ngành logistics có thể phát triển bứt phá, đạt được vị trí xứng tầm với tiềm năng phát triển của ngành, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang thích ứng, vượt qua khó khăn, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo