Văn hóa

Chung kết "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết": Hãy để tâm đến sự khuyết tật vẫn đang gượng lên với lành lặn

DNVN - Thực ra có những thứ rất nhỏ, mọi người đều có thể làm được, ví dụ như viết chữ nổi vào một tờ giấy trong suốt sau đó dán lên các phím bấm thang máy để người khiếm thị có thể đi lại được chẳng hạn. Dù đây là điều rất nhỏ thôi nhưng nhiều khi mọi người không chú ý, nên gây ra cản trở rất lớn đối với người khuyết tật ở Việt Nam.

Chung kết Liên hoan "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết": Thí sinh liệt nửa người và ước mơ tiếp cận công trình công cộng / Khởi động vòng chung kết Liên hoan "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết"

Đây chỉ là một trong vô vàn khó khăn, thử thách mà Lê Hương Giang - thí sinh khiếm thị mang số báo danh 62 đến từ Hà Nội - đã và đang phải đối mặt hàng ngày. Tuy vậy, Hương Giang đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để thực hiện ước mơ làm nên điều kỳ diệu như phương châm sống của mình: "Tôi sinh ra trên đời để làm nên điều kỳ diệu cho chính cuộc sống của mình".
Lê Thị Hương Giang là 1 trong 9 thí sinh được Ban tổ chức Liên hoan "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" lựa chọn vào vòng chung kết sau khi vượt qua phần thi sơ khảo và bán kết hồi năm 2017.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn giữa Ban giám khảo cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết và thí sinh Lê Thị Hương Giang trong vòng thi bán kết:

A. Câu hỏi thể hiện điểm mạnh/ năng lực cá nhân
Câu 1: Bạn hãy tự giới thiệu về bản thân mình?
Em tên là Lê Hương Giang, hiện em là sinh viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học, xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội.

Câu 2: Bạn nhận định như thế nào về điểm mạnh của bản thân?
Em nghĩ điểm mạnh của em là hoạt ngôn, vui vẻ, dễ kết bạn và em muốn học hỏi những điều mới mẻ.
Bạn nhận định như thế nào về điểm yếu của bản thân?
Điểm yếu có lẽ là em hơi kỹ tính quá, nhất là khi mà em làm việc nhóm, đặc biệt là trong việc học tập hoặc đi làm cũng thế. Đôi khi cầu toàn quá lại tạo áp lực cho những người làm việc cùng em. Đấy là điểm yếu lớn nhất của em.
Câu 3: Bạn đã từng tham gia cuộc thi/ hoạt động cộng đồng nào? Giải thưởng?
Khá là nhiều rồi ạ. Gần đây nhất thì em là thành viên Hội sinh viên tình nguyện của Đại học Kinh tế quốc dân. Ở đó, em được chăm sóc cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, tăng động, giảm chú ý hoặc tự kỷ. Em có đi dạy học cho học sinh khiếm thị, phục vụ hiến máu và tham gia các công tác thiện nguyện tại địa phương.
Ngoài ra, em tham gia cuộc thi “The Next MC” năm 2016 và giành được giải quán quân. Đó là những chương trình gần đây nhất mà em tham gia.
Câu 4: Bạn biết đến Liên hoan “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” như thế nào? Tại sao bạn quyết định tham gia Liên hoan năm nay?
Em biết đến “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” từ rất lâu rồi. Từ hồi em còn học cấp 3, em tham gia cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin” với thanh niên khuyết tật toàn cầu tại Incheon Hàn Quốc. Tại thời điểm đó, em gặp các anh chị bên Hội Khuyết tật, biết được thông tin về cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết”, và em đăng ký tham gia. Nhưng lúc đấy thì em lại bỏ lỡ thông tin bởi chương trình diễn ra Vòng Chung kết thì em mới biết. Và kể từ đó em ấp ủ dự định một ngày nào đấy có thể tham gia chương trình này.
Đặc biệt, khi em xem những sản phẩm truyền thông, lắng nghe những câu chuyện của các anh, chị từ những mùa trước, em rất mong có thể tới đó để được gặp các anh, các chị, để được lắng nghe những câu chuyện của những người đi trước. Điều đó đã tạo cho em một nguồn động lực rất lớn.
Câu 5: Bạn đã chuẩn bị như thế nào để tham gia vào Liên hoan năm nay?
Để tham gia vào liên hoan năm nay, em đã cố gắng trau dồi thêm những kỹ năng để khi đến đó làm quen với mọi người dễ hơn. Ngày trước, em cũng khá nhút nhát, nhưng bây giờ được tham gia nhiều chương trình với các bạn sinh viên, em cũng cởi mở hơn. Em hy vọng đến với chương trình, em có thể có thêm nhiều mối quan hệ bạn bè hơn nữa. Và em cũng cố gắng rèn luyện những kỹ năng cơ bản về make up, trang phục. Em nghĩ những gì mình có thể tự làm đẹp cho mình mà bản thân mình có thể làm được thì cần cố gắng.
B. Câu hỏi thể hiện suy nghĩ sáng tạo và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Câu 6: Phương châm sống của bạn là gì?
Phương châm sống của em là “Em sinh ra trên đời để làm nên điều kỳ diệu” cho chính cuộc sống của mình.
Câu 7: Bạn thường gặp phải những khó khăn gì trong cuộc sống?
Khó khăn lớn nhất em gặp phải là khi em di chuyển trên đường, khi em đi lấy tin hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng. Bây giờ có Grab hoặc Uber nên việc đi lại khá dễ dàng nhưng đến với một môi trường mới thì em vẫn cần một khoảng thời gian thích nghi với nó.
Và cái khó khăn thứ hai trong cuộc sống của em là việc không được đọc sách. Em không có máy hay thiết bị có thể chuyển sách bản cứng sang sách bản mềm. Em biết là ở Mỹ đã có những thiết bị như vậy rồi, nhưng giá khá là đắt. Và cho tới bây giờ thì em vẫn đi học theo cách là đi học và ghi âm lại, rồi tìm kiếm những thông tin trên mạng. Nhưng trong lĩnh vực mà em học thì những thông tin tìm kiếm trên mạng thì không đáng tin cậy và nó trở thành một trở ngại rất lớn cho em trong quá trình học tập.

Bạn đã vượt qua những trở ngại đó như thế nào?
Về đi lại thì em nghĩ là mình phải rèn luyện nhiều hơn. Mình đi càng nhiều thì mình sẽ càng có cảm nhận về thế giới xung quanh. Điều này rất khó để miêu tả, đôi khi nó là xúc giác, đôi khi nó là thính giác, đôi khi nó chỉ là cảm nhận nào đó thôi. Mình đến một không gian chật hẹp hay mình đến một không gian rộng lớn thì mình sẽ có cảm giác về nó. Em nghĩ là điều đó sẽ đến khi mà em rèn luyện nhiều. Nếu như em chỉ ở nhà, em lo lắng, em không bao giờ bước chân ra đường thì em nghĩ là em sẽ không bao giờ làm được trong lĩnh vực truyền thông hoặc tham gia được các công tác tình nguyện.
Còn về việc đọc sách, hiện giờ nếu em thích cuốn nào thì em sẽ tìm địa chỉ Email của tác giả và em xin trực tiếp. Em rất vui khi có những tác giả đã chuyển sách cho em và những cuốn nào em không có thì em có thể nhờ mọi người ghi âm, hoặc mọi người chép lại bằng bản word. Tuy không được nhiều nhưng đó cũng là niềm vui khi mà mình được đọc thật nhiều sách.
Câu 8: Điều gì khiến bạn cảm thấy hạnh phúc nhất?
Điều khiến em cảm thấy hạnh phúc nhất là em mang lại niềm vui cho những người xung quanh em.
C. Câu hỏi thể hiện suy nghĩ phản biện và tích cực về người khuyết tật Việt Nam

Câu 9: Bạn có cảm nghĩ gì về cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam nói chung?
Trước kia, khi em chỉ ở Việt Nam thì em nghĩ là khá ổn. Em nghĩ cách mà người khuyết tật Việt Nam thích nghi với môi trường sống rất rất là tốt. Nhưng có một dịp em ra nước ngoài. Đó là hồi em 9 tuổi, em được sang Thụy Điển tham gia giao lưu. Khi đó, em được tiếp cận với những công nghệ cao hơn, được tiếp cận với sự hỗ trợ của xã hội tốt hơn thì em nhận ra là Việt Nam của mình còn rất nhiều điều hạn chế.
Thực ra có những thứ rất nhỏ, mọi người đều có thể làm được, ví dụ như viết chữ nổi vào một tờ giấy trong suốt sau đó dán lên các phím bấm thang máy để người khiếm thị có thể đi lại được chẳng hạn. Điều này rất nhỏ thôi nhưng nhiều khi mọi người không chú ý, nên gây ra cản trở rất lớn đối với người khuyết tật ở Việt Nam.
Nhưng em thấy rằng, cho đến thời điểm hiện tại thì những người khuyết tật ở Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm được nhiều hơn những thông tin, đã bắt đầu biết cách vận động những chính sách để thay đổi dần dần cuộc sống của mình. Và em nghĩ rằng trong tương lai, cuộc sống của người khuyết tật Việt Nam sẽ dần tốt hơn.

D. Câu hỏi thể hiện hình ảnh tự tin, năng động, ấn tượng

Câu 10: Bạn định nghĩa như thế nào về “Vẻ đẹp”?
Em nghĩ rằng “Vẻ đẹp” là cách nhìn nhận của mỗi người và với em thì một người đẹp là khi họ có một nguồn nội lực ở bên trong, khí chất toát ra bên ngoài và làm cho những người xung quanh họ cảm thấy ấm áp, cảm thấy vui, cảm thấy muốn làm cho chính những người xung quanh đó trở nên tốt hơn. Đây là một vẻ đẹp có ý nghĩa.
Câu 11: Lợi thế của bạn so với các thí sinh khác là gì? Vì sao bạn nghĩ bạn xứng đáng bước vào Vòng Chung kết?
Mục tiêu lớn nhất của em khi tham gia chương trình này là được gặp, được giao lưu với các bạn. Mỗi bạn là một câu chuyện riêng, mỗi bạn là một vẻ đẹp riêng. Thực ra em chưa bao giờ nghĩ là em hơn gì so với những bạn khác trong cuộc thi. Em chỉ thấy bản thân mình có phần tự tin, vui vẻ và nỗ lực.
Và em biết bản thân em có những điều chưa hoàn thiện và em đang cố gắng để hoàn thiện nó. Khi tham gia cuộc thi, em thấy mọi người nhấn mạnh về cái bên trong và đó là điều cần phải trau dồi. Theo em, kể cả người khuyết tật, họ cũng có những nét đẹp ở bên ngoài, những điều mà mình có thể trau dồi được, không phải rằng tôi là người khuyết tật thì tôi có quyền được ăn mặc luộm thuộm. Tôi là người khuyết tật thì tôi có thể không cần quá xinh đẹp về vẻ bề ngoài, vì có những cái gì mà mình làm được để mình xóa bỏ khoảng cách từ những điều nhỏ nhất thì em sẽ làm. Và em nghĩ là sự nỗ lực chính là điều quyết định để em đi tiếp vào vòng trong.

Câu 12: Đóng góp của bạn đối với cộng đồng nếu bước tiếp vào vòng trong, đặc biệt nếu dành giải hoa khôi?
Hồi học cấp 2, cấp 3, em được đi đến rất nhiều các tỉnh miền Trung, và lúc đó em kể cho các bậc phụ huynh nghe là ở Hà Nội cháu được đi học và kể với họ về việc học cùa mình, như tham gia múa, hát, chơi đàn. Em đã thử rất nhiều thứ vì em muốn một ngày nào đó mình có thể chia sẻ với các bạn là con của các bậc phụ huynh đó – những trẻ khuyết tật có thể làm được vì em đã từng làm được điều đó rồi.
Tham gia Vầng trăng khuyết cũng là một thử thách rất lớn với em, bởi vì khi nhỏ xem tivi thấy các cô thi Hoa hậu em thích lắm và em cũng mơ ước một ngày nào đấy, mình cũng có thể tham gia các cuộc thi có thể gọi là nhan sắc như thế. Đây cũng là một thử thách đối với em, và hiện giờ em đang làm về truyền thông, em cũng muốn là trợ giúp tâm lý cho các trẻ khuyết tật và phụ huynh của trẻ khuyết tật.
Nếu em đạt quán quân của Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết, em tin rằng, qua hoạt động truyền thông, hình ảnh những người khuyết tật sẽ tiến xa hơn, có thể có những bậc phụ huynh chưa bao giờ nghĩ là con tôi có thể tới trường, chưa bao giờ nghĩ rằng con mình một ngày nào đó có thể tham gia bất kỳ một cuộc thi nào đó. Qua đó, em tin chắc rằng cuộc thi sẽ có tác động nào đó, dù lớn dù nhỏ tới các bậc phụ huynh và cũng có tác động tới trẻ em khuyết tật. Điều em mong muốn lớn nhất trong tương lai tất cả trẻ em khuyết tật Việt Nam đều có thể tới trường.

Câu 13: Thông điệp mà bạn muốn gửi tới cộng đồng khi tham gia cuộc thi này?
Thông điệp mà em muốn gửi tới mọi người là “When you believe you can, you can” – câu mà gần đây em đã được nghe và em cảm thấy rất ấn tượng “Khi mà tôi nghĩ tôi có thể thì tôi có thể làm được”. Khi người khuyết tật nghĩ là tôi có thể vươn lên, tôi có thể hòa nhập với cộng đồng và biến nó trở thành những hành động cụ thể thì chính bạn cũng có thể làm được.
Và những người không khuyết tật cũng như thế, nếu như bạn nghĩ rằng bạn có thể trở thành một người bạn của người khuyết tật, thì bạn hãy hành động bởi vì bạn có thể làm được điều đó mà không gặp quá nhiều khó khăn.
Câu 14: Nếu được tham gia vào Vòng Chung kết, bạn sẽ thể hiện năng khiếu gì trong phần thi Tài năng?
Em đang rất phân vân không biết mình sẽ chọn tài năng nào vì mỗi thứ thì em biết một chút, không có gì là quá nổi bật (cười). Nhưng có lẽ là em sẽ hát, vì dù là em hát không được hay lắm nhưng qua những giai điệu, ca từ, em nghĩ là mình sẽ truyền tải được cảm xúc của mình đến cho mọi người.
Sau vòng sơ khảo với sự tham gia của 76 ứng viên đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, và vòng bán kết với 20 thí sinh, Ban tổ chức cuộc thi Liên hoan "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" đã chọn ra 9 thí sinh xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết, gồm:
1. Lê Hương Giang - Hà Nội
2. Phan Thị Kim Vân - Quảng Nam
3. Lê Thị Trang - Bình Dương
4. Nguyễn Thị Huyền - Đắk Nông
5. Nguyễn Thị Ly - Thanh Hóa
6. Nguyễn Thị Lệ Thu - Bắc Giang
7. Phạm Thị Thắm - Thanh Hóa
8. Bùi Thị Phương - Vĩnh Phúc
9. Bế Thị Băng - Cao Bằng
Trải qua hai mùa, mùa thứ nhất vào năm 2013 và mùa thứ hai vào năm 2015, chương trình "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" đã lan tỏa những thông điệp ý nghĩa tới cộng đồng; tạo được hiệu ứng xã hội một cách ấn tượng, thu hút sự quan tâm của giới truyền thông, các cơ quan/tổ chức làm việc với/vì người khuyết tật, và người dân nói chung tới các vấn đề của người khuyết tật hiện nay.
Đây là một chương trình rất nhân văn khi chính bản thân các bạn khuyết tật đã nghị lực vươn lên, mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm