Hỗ trợ doanh nghiệp

Lâm Đồng: Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

DNVN – Để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện, công khai, minh bạch, thời gian qua Tổ công tác đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Lâm Đồng: Doanh nghiệp được hỗ trợ giá dịch vụ kỹ thuật do Covid-19 / Lâm Đồng: Phó Chủ tịch tỉnh làm tổ trưởng giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định thành lập Tổ công tác đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp (Tổ công tác), do ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Tổ công tác được giao 10 nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó nhiệm vụ chính là tiếp nhận, tổng hợp những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp và trực tiếp giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

Tổ công tác làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn TP Bảo Lộc để nắm bắt khó khăn, vướng mắt.

Tổ công tác làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn TP Bảo Lộc để nắm bắt khó khăn, vướng mắt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo khảo sát, đánh giá của Tổ công tác, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp so với quý 4/2021 cơ bản ổn định và tăng lên. Một số doanh nghiệp đã được hưởng các chính sách hỗ trợ như: giữ nguyên nhóm nợ; gia hạn trả nợ ngân hàng; vay mới với lãi suất ưu đãi; giảm lãi suất các khoản đã vay; miễn, giảm phí thanh toán giao dịch quốc tế, nội địa; gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN; gia hạn nộp tiền thuê đất; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hoãn đóng phí công đoàn của Nhà nước để vượt qua dịch COVID-19.

Tuy nhiên, các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 vẫn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn do doanh thu sụt giảm vì thu hẹp thị trường nội địa cũng như xuất khẩu; thiếu vốn, dòng tiền trong kinh doanh; thiếu lao động có tay nghề; khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào... Nắm bắt những khó khăn đó, Tổ công tác đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắt, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện, công khai, minh bạch, trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.

Liên quan đến lĩnh vực thuế, Cục thuế tỉnh Lâm Đồng đã hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết kịp thời vướng mắc của người nộp thuế về chính sách thuế hiện hành, về kê khai thuế, nộp thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, ấn chỉ thuế... Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức triển khai 9 hội nghị trực tuyến và 2 hội nghị trực tiếp giới thiệu về hóa đơn điện tử.

Trả lời 46 văn bản khó khăn vướng mắc về chính sách thuế cho người nộp thuế; giải quyết trực tiếp tại cơ quan thuế các cấp 2.895 lượt doanh nghiệp; giải quyết trả lời qua điện thoại 7.443 lượt doanh nghiệp; trả lời các yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp gửi đến cơ quan thuế bằng hình thức điện tử (Etax) 46 trường hợp. Kết quả giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp về chính sách pháp luật thuế bảo đảm kịp thời, đúng thời hạn quy định.

 

Cán bộ Cục thuế tỉnh Lâm Đồng lồng ghép tư vấn thuế và hoá đơn điện tử tại hội nghị tổng kết của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Cán bộ Cục thuế tỉnh Lâm Đồng lồng ghép tư vấn về hoá đơn điện tử cho doanh nghiệp tại hội nghị tổng kết của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận và hỗ trợ 3 doanh nghiệp đào tạo cho 265 lao động với tổng kinh phí 552.730.000 đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quy định tại Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ cho 568 người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và khu kinh tế trọng điểm, với kinh phí 852 triệu đồng. Hỗ trợ người lao động quay lại thị trường lao động 50 người với kinh phí 150 triệu.

Trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, Chi cục Hải quan Đà Lạt đã tiếp nhận và giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp 174 lượt bằng nhiều hình thức. Tổ chức 1 hội nghị đối thoại với người khai hải quan, người nộp thuế năm 2022 bằng hình thức trực tiếp. Phối hợp với Cục Hải quan Đắk Lắk tổ chức 1 hội nghị phổ biến chính sách pháp luật năm 2022 bằng hình thức trực tuyến. Qua đó đã hướng dẫn, trả lời 13 ý kiến về các hạn chế, khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp; 4 ý kiến có nội dung vượt, không thuộc thẩm quyền đã được báo cáo đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét, hướng dẫn giải quyết.

 

Đồng thời, thông qua các cơ quan, đơn vị như Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, UBND các huyện, thành phố, Tổ công tác cũng đã nắm bắt được những khó khăn, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để có hướng giải quyết, tháo gỡ kịp thời, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển.

Doanh nghiệp đánh giá cao

Ông Dương Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng – Tổ phó thường trực Tổ công tác, cho biết, theo yêu cầu đề ra, công tác giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp phải bảo đảm kịp thời, đúng thời gian. Kết quả giải quyết phải đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế, được công khai và gửi đến các tổ chức, đơn vị có kiến nghị và có liên quan.

Ông Dương Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng – Tổ phó thường trực Tổ công tác

Ông Dương Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng – Tổ phó thường trực Tổ công tác, chia sẻ thông tin với doanh nghiệp.

 

Qua ghi nhận, tiếp thu ý kiến đánh giá của doanh nghiệp cho thấy, tuy vẫn còn một số nội dung đánh giá chưa tốt, nhưng phần lớn các nội dung được đánh giá rất tích cực, như: Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, khi doanh nghiệp đến liên hệ làm việc được hướng dẫn tận tình, chu đáo, thủ tục rõ ràng, ít phải đi lại nhiều lần.

Về đất đai, môi trường, xây dựng, thuế, hải quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh được doanh nghiệp đánh giá khá tốt, khi đến liên hệ làm việc khá hài lòng, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xử lý công việc khá tốt. Nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh rất được các doanh nghiệp quan tâm và không có trở ngại trong việc tiếp cận vốn. Công tác thanh tra, kiểm tra được đánh giá thân thiện. Chi phí không chính thức được một số doanh nghiệp đánh giá ở mức chấp nhận được. Các khoản phí, lệ phí và chi phí không chính thức giảm bớt.

“Để tạo đà cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay; hạ thấp điều kiện cho vay; tăng thêm quy mô các gói hỗ trợ; giảm tiền thuê đất, thuế GTGT, thuế TNCN; có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các ngành bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn, doanh nghiệp mong muốn nhận được những hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị; xúc tiến thương mại; chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số; đào tạo nâng cao trình độ lao động…”, ông Dương Quốc Anh cho biết thêm.


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm