Hỗ trợ doanh nghiệp

Lao động ngành logistics thiếu đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số

DNVN - Có nhiều lý do khiến khả năng cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là lực lượng lao động logistics chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số cũng như chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ tiên tiến.

Sắp diễn ra sự kiện giao thương ngành sản xuất, chế tạo tại Hà Nội / Cà phê đặc sản Arabica LangBiang, Moka Cầu Đất chinh phục “gu” người Nhật

Thiếu đào tạo chuyên sâu

Tại diễn đàn đào tạo nguồn nhân lực logistics Việt Nam với chủ đề "Nâng cao kỹ năng số cho nhân lực ngành logistics - Gắn kết hiệu quả với đào tạo" ngày 12/8 tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh, nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics có vai trò lớn nhưng tỷ lệ nhân lực được đào tạo đáp ứng thực tế vẫn còn hạn chế. Theo đó, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics.

Đặc biệt, trong bối cảnh CMCN 4.0 và sự lan tỏa của công nghệ số, ngành logistics đối mặt với cơ hội và thách thức mới. Để đối phó và phát triển trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt, việc thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ và trang bị nhân lực với kỹ năng số trở nên vô cùng quan trọng. Kỹ năng số đã trở thành yếu tố không thể thiếu của nguồn lao động, có vai trò quyết định trong việc phát triển chuyên môn ở cả hiện tại và tương lai.

Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của nhân lực logistics về kỹ năng số, ông Phạm Nam Long - Tổng Giám đốc, nhà sáng lập Công ty Cổ phần ABIVIN Việt Nam (ABIVIN) cho biết, ưu điểm của lực lượng lao động logistics Việt Nam là khả năng thích nghi, sẵn sàng học hỏi và phần lớn còn trong độ tuổi trẻ nên nhanh chóng làm quen với công nghệ.


Lao động thiếu kỹ năng số sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành logistics.

"Tuy vậy, nhược điểm cố hữu mà lực lượng lao động logistics Việt Nam gặp phải về kỹ năng số bắt nguồn từ việc thiếu đào tạo chuyên sâu và việc tiếp xúc rất hạn chế với các công nghệ tiên tiến như trí tuê nhân tạo (AI), học máy (ML) và phân tích dữ liệu nâng cao. Điều này gây trở ngại cho khả năng tận dụng những công nghệ này để tối ưu hóa hoạt động.

Ông Nguyễn Thắng Lợi - Trưởng ban Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) nhìn nhận, các doanh nghiệp logistics đang phải đối mặt với sự biến đổi số hóa trong quá trình vận hành và quản lý. Để đáp ứng được yêu cầu của thời đại, hơn 200.000 nhân lực với trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ cần phải được đào tạo và trang bị kỹ năng số.

Về mức độ đánh giá năng lực của nhân viên ngành logistics, ông Lợi đánh giá kỹ năng về ý thức thực hiện trách nhiệm xã hội nhận được điểm cao nhất (4,02/5), còn kỹ năng sáng tạo nhận điểm thấp nhất (3,21 /5). Trong khi đó, kỹ năng chuyển đổi số và IT lần lượt ở mức điểm 3,23/5 và 3,28/5.

Dẫn kết quả khảo sát do VLI thực hiện tháng 7/2023 về kỹ năng số trong lĩnh vực logistics, ông Lợi cho biết, về thực hiện các chính sách và quy trình để đào tạo nhân viên về kỹ năng số và chuyển đổi số, hơn 86,2% doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện chuyển đổi số.

"Điều này có thể cho thấy hiện các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số và đào tạo kỹ năng số cho nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, hơn 63% doanh nghiệp cho rằng cần hợp tác với các cơ sở đào tạo để nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực", Trưởng ban Nghiên cứu của VLI nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lợi, khi khảo sát các cơ sở đào tạo vào tháng 7/2023 về việc làm thế nào để nâng cao kỹ năng số cho sinh viên hiện nay, hơn 67% cơ sở đào tạo nói cần phát triển môi trường học tập số. Hơn 70% cơ sở đào tạo nhận định cần chú trọng hỗ trợ giảng viên cập nhật xu hướng công nghệ. 82,5% cơ sở đào tạo cho biết cần chú trọng đầu tư phần mềm để sinh viên được thực hành. Trong khi đó, 77,5% cơ sở đào tạo chọn phương án có chiến lược xây dựng chương trình học đa dạng và linh hoạt, tập trung vào công nghệ số, sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy.

Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp - nhà trường

Trong môi trường cạnh tranh và công nghệ phát triển mạnh mẽ, Trưởng ban Nghiên cứu của VLI đề xuất một loạt giải pháp để cải thiện tình hình đào tạo và huấn luyện kỹ năng số trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Chẳng hạn ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường để phát triển chương trình đào tạo phù hợp. Kết hợp việc đào tạo với huấn luyện giảng viên và sinh viên trong việc làm quen với công nghệ số.

Cần nghiên cứu tích hợp công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo trong quá trình đào tạo, đồng thời tập trung vào việc định hướng đào tạo về phương pháp làm việc mới.

Ngoài ra, ông Lợi gợi ý, áp dụng chương trình chuẩn quốc tế và hoàn thiện những kỹ năng cơ bản như giao tiếp, tìm kiếm thông tin trên mạng, và an toàn trong môi trường số hóa.

Trong khi đó, các cơ sở đào tạo cho rằng, cần phải có kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để phát triển chương trình đào tạo tích hợp ứng dụng chuyển đổi số phù hợp, kết hợp với huấn luyện giảng viên và sinh viên làm quen với các ứng dụng “số hoá”.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Khối Công nghệ thông tin Công ty Cổ Phần Logistics U&I cho biết, từ những thách thức về nguồn nhân lực, năng lực số của nhân sự và rào cản tâm lý trong giai đoạn chuyển đổi số, đơn vị đã sử dụng giải pháp quản trị kho để giảm nhân sự vận hành, giải pháp quản trị vận tải để tối ưu hóa vận chuyển. Đồng thời, áp dụng giải pháp cho đại lý thủ tục hải quan để tăng năng suất xử lý thủ tục hải quan và quản lý tốt hơn quy trình kế toán.

Ông Phạm Nam Long – Tổng Giám đốc và nhà sáng lập, Công ty Cổ phần Abivin Việt Nam cho rằng, công nghệ và chuyển đổi số đang tạo ra sự thay đổi đáng kể trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Cùng với đó là những cơ hội và thách thức mà các xu hướng này mang lại.

Do đó, việc áp dụng tự động hóa và robot hóa trong quá trình vận hành logistics và quản lý chuỗi cung ứng giúp tối ưu hóa hiệu suất và giảm thiểu sai sót trong quá trình xử lý hàng hóa. Còn việc ứng dụng Internet vạn vật (IoT) và theo dõi thời gian thực giúp cung cấp thông tin liên tục về vị trí và tình trạng hàng hóa, tối ưu hóa quản lý vận chuyển.

Cần ứng dụng dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu để đưa ra những quyết định thông minh về quản lý tồn kho, dự báo nhu cầu và tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển.

Trong khi đó, công nghệ blockchain có vai trò trong việc tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy trong quản lý chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong việc theo dõi nguồn gốc và lịch sử của hàng hóa.

Hoạt động giao hàng chặng cuối cần phải được đổi mới với việc sử dụng các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường và các giải pháp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó, việc thúc đẩy các giải pháp bền vững trong ngành logistics và chuỗi cung ứng, bao gồm việc giảm thiểu tác động môi trường và tối ưu hóa sử dụng nguồn tài nguyên cũng cần được lưu tâm...

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm