Thủ tướng cùng doanh nghiệp vượt khó, đón thời cơ, đưa kinh tế đất nước bật dậy
DNVN - Với chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế", tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 sáng 09/5, Thủ tướng va lãnh đạo các bộ - ngành, địa phương đã lắng nghe nhiều ý kiến, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn do Covid-19, sớm đưa kinh tế đất nước bật dậy...
Chủ tịch VINASME kiến nghị Thủ tướng 6 giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa / DN càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ Covid-19 càng cao
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trước thách thức to lớn từ đại dịch Covid-19 - một biến cố y tế tác động đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược, mục tiêu kép, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu, đi kèm với các cải cách thể chế và tái cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Thủ tướng nhắc lại khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc.
Theo đó, phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.
Riêng với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đặt ra 6 đề nghị để góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Một là yêu Tổ quốc vì làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thành DN lớn được. Hai là đoàn kết vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình. Ba là không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Bốn là năng động, quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự là DN tự mình đánh mất cơ hội. Năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau. Sáu là cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.
Trình bày Báo cáo chung về tác động của dịch Covid-19, Thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khó khăn kép mà cộng đồng DN đang phải đối mặt, đó là vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, thậm chí dẫn đến tính trạng thua lỗ; nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là DN có quy mô vừa và nhỏ.
Quang cảnh hội nghị.
Kết quả cuộc khảo sát nhanh với gần 130.000 DN hồi cuối tháng 4 vừa qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019.
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, trong bối cảnh đất nước đang đứng trước triển vọng lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất: Cần quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho DN phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, như đã áp dụng đối với công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.
Trong trạng thái mới của nền kinh tế, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần thích nghi với điều kiện: vừa phục hồi dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Hiệp hội doanh nghiệp trong nước đề xuất nhiều kiến nghị
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đã gửi báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trên 100 sáng kiến và kiến nghị cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát của VCCI về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5, có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố 01 tháng trước đây.
Tuy vậy, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc cho rằng trong bối cảnh chịu tác động to lớn của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề. Điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.
Trong khi đó, đại diện cho cộng đồng DN nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đưa ra 6 kiến nghị:
Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Thứ nhất, Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay.
Thứ hai, Chính phủ cần giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia nhiều gói thầu; đồng thời cân nhắc giảm yêu cầu về tỷ lệ vốn đối ứng từ 30;40% xuống còn 15;20%.
Thứ ba, Chính phủ cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc".
Thứ tư, Chính phủ cần cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể là: giãn thuế VAT đến hết năm 2020; miễn trừ thuế TNDN cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; và toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020.
Thứ năm, Chính phủ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và doanh nghiệp.
Thứ sáu, Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.
Hiệp hội DN nước ngoài đánh giá cao vị thế, chính sách của Việt Nam
Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier nhận định, những biện pháp mạnh mẽ trong thời gian qua đã giúp Việt Nam duy trì thành tích kinh tế trong quý I/2020, tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những hành động này cũng giúp duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu rằng Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, cạnh tranh về kinh doanh. Việt Nam hiện đang có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội đầu tư kinh doanh mới và đẩy mạnh phát triển kinh tế ổn định nhờ cách tiếp cận chủ động song hành, vừa chống dịch Covid-19 vừa kích thích kinh tế.
Chủ tịch EuroCham đánh giá cao các biện pháp mạnh mẽ mà Việt Nam triển khai trong thời gian qua, nhằm bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp châu Âu. Đặc biệt, EuroCham hoan nghênh vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier.
Ông Nicolas Audier nhìn nhận, Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới. Các biện pháp của Việt Nam đang trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo, bảo vệ sức khỏe của người dân, giúp duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao việc luôn cải cách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Đặc biệt là những biện pháp phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam đã làm rất tốt. Cả hai điều đó góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam – một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn.
Đại diện Kocham kiến nghị Chính phủ Việt Nam sớm nối lại đường bay với Hàn Quốc để các nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động có thể sang Việt Nam làm việc. Phía Hàn Quốc sẽ phối hợp để thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Kocham sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp có chất lượng vào đầu tư tại Việt Nam, đảm bảo chủ trương thu hút FDI có chọn lọc theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài. Tăng cường các giải pháp để kết nối doanh nghiệp Hàn Quốc với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thì cho rằng, để kinh tế Việt Nam sớm phục hồi theo hình chữ V sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam iếp tục thu hút đầu tư và tăng cường chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam và gia tăng sự đóng góp của các công ty đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, để các DN Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư vào khu vực, chúng tôi sẽ thực hiện hợp tác với các DN tiềm năng tại Việt Nam cùng các đối tác, khai thác thị trường mới. Từ đó xây dựng một hệ thống chuỗi cung ứng bền vững", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đề xuất.
Hai là, tiếp tục thúc đẩy kế hoạch hành động sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, kế hoạch Bộ Kế hoạch & Đầu tư đứng ra làm đầu mối chỉ đạo, thúc đẩy khởi nguồn từ năm 2003.
Ba là, đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét áp dụng các biện pháp đặc biệt để cho phép nhập cảnh và cấp giấy phép lao động cho một số trường hợp của Nhật Bản nói riêng và người nước ngoài nói chung.
Tại Hội nghị, đại diện nhiều bộ, ngành, lãnh đạo một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng... đã đánh giá các cơ hội và triển vọng phục hồi của các ngành, lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh mới ở thời kỳ trước, trong và sau dịch Covid-19; ghi nhận những vấn đề phát sinh, những vướng mắc của các doanh nghiệp trong thực tiễn triển khai các cơ chế, chính sách hiện hành; đồng thời đánh giá khả năng hấp thụ các chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian qua; đồng thời, để đưa ra những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất.
Hội nghị cũng đã ghi nhận nhiều sáng kiến, đề xuất của hiệp hội ngành hàng, một số doanh nghiệp lớn... về các giải pháp cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của cơ quan Nhà nước
Phát biểu kết luận tại Hội nghị sau gần 4 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng cho biết, sự kiện đã ghi nhận 23 lượt ý kiến phát biểu của các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân, các bộ, cơ quan; 81 kiến nghị trực tiếp của 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, 9 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và 437 kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 180 kiến nghị đã gửi đến VCCI.
Nhận định chung về các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19 thành công ở Việt Nam. Đây là một điểm sáng, Việt Nam đã đi trước nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng ý đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác cùng Việt Nam phát triển kinh tế đất nước, trước hết là Lào, Campuchia và nhiều nước khác trong thời gian tới.
Sự kiện đã ghi nhận 23 lượt ý kiến phát biểu của các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân, các bộ, cơ quan.
Khẳng định vị trí của doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp: Thứ nhất, các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển; Thứ hai, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền; Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.
Với các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.
“Tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt các địa phương, tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay có nhiều vướng mắc. Chủ tịch UBND các tỉnh, các Bộ trưởng có liên quan phải có trách nhiệm xử lý nhanh những kiến nghị này để tháo gỡ cho doanh nghiệp", Thủ tướng yêu cầu.
Đối với doanh nghiệp cũng như với các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan Nhà nước phải quan tâm xử lý một số vấn đề lớn, đó là tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ cùng doanh nghiệp.
Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm lớn, các địa phương có liên quan, các sân bay, bến cảng… đều phải phát triển nhanh, nhất là phát triển dịch vụ logistic ở Việt Nam tốt nhất để giảm chi phí cho doanh nghiệp vì không có hạ tầng thì khó phát triển.
Các hiệp hội đóng vai trò tập hợp thông tin, đặc biệt là những thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến bộ về quản lý để áp dụng nhanh vào các doanh nghiệp thuộc hiệp hội mình. Doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam gắn liền với niềm tự hào của dân tộc.
"Việt Nam có câu "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Khó khăn hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua, nhất là trong lúc Covid-19 vẫn còn lưu lại đâu đó ở chung quanh đất nước Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh ở Việt Nam", Thủ tướng kết luận bài phát biểu.
Thủ tướng Chính phủ sẽ tổng kết các sáng kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân để nghiên cứu ban hành Kế hoạch hành động hoặc Nghị quyết của Chính phủ nhằm phục hồi nền kinh tế, thích ứng, đổi mới và phát triển trong thời gian tới.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo